Ngang nhiên khai thác đá trái phép
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh Hà Giang đã triển khai đề án một triệu tấn xi-măng để hỗ trợ cho các địa phương làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng…
Nhằm giải quyết khó khăn về vật liệu xây dựng, tỉnh Hà Giang đã giao cho các huyện, thành phố huy động người dân, lập tổ sản xuất đứng ra khai thác, hoặc thuê các doanh nghiệp, HTX để khai thác tại các khu vực có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, sỏi) theo khối lượng, công trình NTM mà huyện đã đăng ký.
Trong quá trình thực hiện, dư luận phản ánh tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp lợi dụng việc khai thác khoáng sản phục vụ xây dựng NTM để bán ra thị trường nhằm trục lợi. Do đó, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố dừng việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ xây dựng NTM, kể từ ngày 15-10-2018.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, các doanh nghiệp, HTX, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường “phớt lờ” ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ngang nhiên khai thác đá vôi để bán ra thị trường kiếm lời, gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, tình trạng này diễn ra thường xuyên tại huyện Xín Mần.
Ghi nhận tại điểm mỏ khai thác đá vôi phục vụ xây dựng NTM tại thôn Cốc Pú, xã Nàn Ma, huyện Xín Mần, cuối tháng 10, dù đã có văn bản dừng hoạt động, nhưng HTX dịch vụ thương mại tổng hợp Bảo Quân vẫn tiến hành khai thác đá một cách rầm rộ. Trên công trường, tiếng máy khoan, máy xúc vang vọng; nhiều xe chở đá từ điểm mỏ đến các công trình xây dựng dân dụng trong khu vực và một số công trình xây dựng quy mô lớn trên địa bàn huyện.
Điều đáng nói, điểm mỏ này nằm ở thôn Cốc Pú, xã Nàm Ma, nhưng giáp ranh với thị trấn Cốc Pài (Trung tâm hành chính của huyện Xín Mần). Tất cả các hoạt động của điểm mỏ thời điểm hiện tại đều được người dân thôn Cốc Coọc, thị trấn Cốc Pài ghi nhận và phản ánh.
Anh Lý Văn K, người dân thôn Cốc Coọc, thị trấn Cốc Pài cho biết: “Tôi đang làm nhà và lấy đá từ bãi đá thôn Cốc Pú. Đá phục vụ xây dựng ở đây rất đẹp nên người dân thị trấn và các xã lân cận khi cần đá xây dựng công trình đều lấy ở đây”.
Tình trạng khai thác đá trái phép tiếp tục được ghi nhận tại mỏ đá thôn Cốc Soọc, xã Thèn Phàng. Mỏ đá này được huyện cấp phép cho Công ty TNHH MTV Thùy Châm khai thác để phục vụ nhu cầu xây dựng NTM tại các xã Bản Ngò và Thu Tà. Mặc dù đã có chỉ đạo dừng khai thác từ 15-10, nhưng đơn vị này vẫn cố tình vận hành dây chuyền sản xuất đá nhằm trục lợi. Kéo theo đó là những hiểm họa có thể xảy ra do nguy cơ đá lăn, thực tế đã có tình trạng khối lượng đất đá lớn được san ủi dẫn đến việc bồi lấp dòng chảy của con suối ngay sát mỏ đá.
Buông lỏng quản lý
Việc khai thác đá trên thực tế đang diễn ra một cách công khai, người dân biết, nhưng chính quyền địa phương lại không rõ trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý.
Làm việc với lãnh đạo xã Nàn Ma, huyện Xín Mần để tìm hiểu về công tác quản lý mỏ đá thôn Cốc Pú. Điều bất ngờ, lãnh đạo và cán bộ địa chính xã Nàn Ma cho biết, dù mỏ đá nằm trên địa bàn xã nhưng xã chưa nhận được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến việc cấp phép cho mỏ đá này hoạt động.
Việc khai thác đá làm vùi lấp dòng suối tại mỏ đá thôn Cốc Soọc, xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần.
Bí thư Đảng ủy xã Nàn Ma, Phạm Anh Thái cho biết: “Theo địa giới hành chính thì khu vực bãi đá đó thuộc thôn Cốc Pú, xã Nàm Ma. Tuy nhiên, đất đai khu vực này đều do người dân thị trấn Cốc Pài sử dụng. Lãnh đạo xã Nàn Ma cũng đã hỏi ngành chức năng về việc quản lý bãi đá thì được trả lời bãi đá do huyện quản lý, cái này muốn rõ thì các anh phải làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Xín Mần có năm mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được phép hoạt động, trong đó có ba mỏ cát và hai mỏ đá.
Năm 2018, huyện Xín Mần xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường và được chấp thuận cho phép các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp khai thác khoảng 20 điểm mỏ cát sỏi, đá vôi có thời hạn từ tháng 4 đến 31-12 để phục vụ NTM.
Làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Xín Mần được biết, việc quản lý các mỏ khai thác vật liệu xây dựng thông thường phục vụ NTM thuộc trách nhiệm của Phòng Tài nguyên và Môi trường. Còn các xã có công trình NTM phải xây dựng kế hoạch và ký hợp đồng cung cấp vật liệu cát, sỏi, đá vôi với các đơn vị đã được cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ NTM trên địa bàn.
Do đó, để xảy ra tình trạng lợi dụng việc khai thác khoáng sản phục vụ xây dựng NTM bán ra ngoài, cũng như việc các tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm túc việc dừng khai thác theo chỉ đạo của tỉnh Hà Giang là trách nhiệm của UBND huyện Xín Mần, mà trực tiếp là Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Xín Mần cho biết: “Chúng tôi khẳng định, không thể bảo đảm rằng tất cả các mỏ đều nghiêm túc trong thực hiện các quy định về khai thác vật liệu xây dựng phục vụ NTM, cũng như quyết định dừng hoạt động của các mỏ từ ngày 15-10. Phòng nhiều việc quá nên để xảy ra tình trạng này, chúng tôi nhận trách nhiệm là chưa sát sao trong công tác quản lý”.
Tiếp tục đặt vấn đề về việc cung cấp các tài liệu liên quan đến kế hoạch khai thác và khối lượng khai thác phục vụ xây dựng NTM của mỏ đá Cốc Pú, xã Nàn Ma và mỏ đá Cốc Soọc, xã Thèn Phàng. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Xín Mần chỉ cũng cấp được bộ hồ sơ: giấy chấp thuận làm thủ tục khai thác; giấy phép sử dụng vật liệu nổ; kế hoạch khai thác của điểm mỏ thôn Cốc Soọc, xã Thèn Phàng.
Còn những hồ sơ liên quan đối với điểm mỏ thôn Cốc Pú, xã Nàn Ma thì lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hồ sơ của đơn vị này đang bị thất lạc”.
Điều đáng nói, theo phản ánh của người dân địa phương, điểm mỏ thôn Cốc Pú, xã Nàn Ma không chỉ mới khai thác trong năm 2018 mà hoạt động khai thác trái phép đã diễn ra nhiều năm.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hà Giang cần sớm có chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh, huyện kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng lợi dụng NTM để khai thác đá trái phép tại huyện Xín Mần.