Hà Giang duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội

Ngày 7/8, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2021-2025).
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với khát vọng vươn lên, sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm chính trị cao, Hà Giang đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Trong 17 chỉ tiêu đề ra: Có 5 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu; 8 chỉ tiêu đạt từ 80 đến gần 100% kế hoạch; 5 mục tiêu đạt từ 35% kế hoạch trở lên. Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 5,94%.

Tỉnh bố trí 8.455 tỷ đồng thực hiện khâu đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đã khởi công nhiều dự án giao thông quan trọng, kết nối liên tỉnh, liên vùng, như: Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, giai đoạn 1 (đoạn qua tỉnh Hà Giang); khởi công nâng cấp 7 tuyến đường tỉnh; hoàn thành 80km đường giao thông tuyến huyện; cứng hóa gần 1.000km đường trục xã, thôn, đường nội đồng; tất cả thôn bản có đường xe cơ giới đến trung tâm.

Hà Giang duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1

Thực hiện khâu đột phá về giao thông, nhiều tuyến đường tỉnh được khởi công nâng cấp.

Khâu đột phá phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị đạt kết quả tích cực. Lượng khách đến Hà Giang ngày một tăng, ước năm 2023 đạt 3 triệu du khách, doanh thu ước 5.000 tỷ đồng, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, khâu đột phá về tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tỉnh đã bố trí 1.810 tỷ đồng để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Tập trung chính vào công tác xóa nhà tạm cho hội cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo; sắp xếp, ổn định dân cư; giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Hà Giang duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội ảnh 2

Ước năm 2023, Hà Giang đón 3 triệu lượt khách, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra.

Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được coi trọng; hoạt động văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến, phong trào xóa bỏ hủ tục được cấp ủy, chính quyền, nhân dân vào cuộc thực hiện quyết liệt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân vùng cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nội địa và trên tuyến biên giới được giữ vững; quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất.

Hà Giang duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội ảnh 3

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần các cấp, các ngành thực hiện nhằm đạt mục tiêu nghị quyết đề ra.

Toàn tỉnh cần duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đã đạt và vượt. Bên cạnh đó xác định rõ nguyên nhân chỉ tiêu đạt thấp, thực hiện các giải pháp căn cơ, đột phá, tập trung nguồn lực, cách làm, quyết tâm cao để thực hiện.

Tổ chức công bố, triển khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Gắn với đó là đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển.

Nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả các khu, cụm công nghiệp. Nâng cao chất lượng đầu tư công; quyết liệt thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, giai đoạn 1, đề nghị các cấp, các ngành liên quan nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò chủ động, tiên phong gương mẫu, quyết liệt triển khai thực hiện.

Nâng cao chất lượng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nhất là số lượng và giá trị các sản phẩm OCOP. Trong xây dựng nông thôn mới, cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, quan điểm thực hiện là phải đi vào thực chất, không chạy theo số lượng.

Tiếp tục quan tâm phát triển du lịch nhằm đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Đầu tư phát triển nguồn lực y tế, nhất là quan tâm thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế; xây dựng hệ thống giáo dục đồng bộ, hiệu quả; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số theo hướng toàn diện; nâng cao chất lượng công tác xây dựng đảng.

Từng cấp, từng ngành, từng cán bộ, đảng viên cần phải đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; tiếp tục đổi mới phong cách, tác phong, lề lối làm việc theo hướng cụ thể, sát việc, sát cơ sở, thực hiện tốt phương châm "có việc, có người, có sản phẩm".