Hà Giang đẩy mạnh giải ngân vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ

NDO - Các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CPngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đang là “đòn bẩy” hỗ trợ người dân vùng cao Hà Giang vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Vị Xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay theo Nghị quyết 11 tại xã Ngọc Linh.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Vị Xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay theo Nghị quyết 11 tại xã Ngọc Linh.

Gia đình chị Lưu Thị Tuyên, thôn Khuổi Vài, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Một mình chị vất vả làm ruộng, làm nương để nuôi ba con ăn học. Do hoàn cảnh khó khăn nên nhiều năm qua gia đình chị Tuyên vẫn sống trong ngôi nhà tạm bợ, tường được bưng bằng gỗ, mái lợp tôn.

Đầu năm 2022, được cán bộ thôn thông báo có gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho vay làm nhà ở theo Nghị quyết 11, chị Tuyên đã đăng ký vay vốn và được xét duyệt.

Tháng 9/2022, gia đình chị Tuyên được giải ngân với số 40 triệu đồng, cộng với tiền tiết kiệm và vay mượn người thân, chị đã khởi công xây nhà mới. Đầu năm 2023, ngôi nhà xây rộng hơn 100m2 hoàn thành, bảo đảm các tiêu chí cứng tường, cứng nền, bền mái.

Chị Lưu Thị Tuyên vui vẻ cho biết: “Nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội dù không đáp ứng đủ toàn bộ kinh phí xây dựng, nhưng đó là động lực để tôi quyết tâm làm nhà mới. Có nhà xây kiên cố, giờ không phải lo chỗ ăn, chỗ nghỉ, cả gia đình yên tâm lao động để trả vốn ngân hàng”.

Hà Giang đẩy mạnh giải ngân vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ ảnh 1

Chị Lưu Thị Tuyên, thôn Khuổi Vài, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên vay vốn Ngân hàng Chính sách để xây nhà mới.

Cũng tại xã Ngọc Linh, gia đình anh Đặng Văn Hiển ở thôn Ngọc Thượng được xét duyệt cho vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển chăn nuôi gia súc. Trước kia, gia đình nuôi trâu, nhưng do không có vốn nên phải nuôi rẽ. Do đó, năm 2022, anh đã đăng ký và được vay 50 triệu đồng để chăn nuôi gia súc. Ngay sau khi được giải ngân, gia đình anh đã đi tìm mua hai con trâu sinh sản đã trưởng thành.

Đến nay, sau hơn một năm, hai con trâu sinh sản đã đẻ được hai con. Anh Đặng Văn Hiển cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi mà gia đình tôi có vốn để phát triển nuôi gia súc. Với 4 con trâu hiện có, gia đình tôi không những trả được vốn vay ngân hàng mà có giống trâu để chăn nuôi lâu dài”.

Tới đây, gia đình anh Hiển còn mong muốn tiếp tục được vay vốn để cải tạo 2.000m2 ao nuôi cá, đồng thời xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi lợn rừng.

Giống như gia đình chị Tuyên, ảnh Hiển, tại tỉnh vùng cao Hà Giang còn hàng nghìn hộ nghèo và các doanh nghiệp, hợp tác được vay vốn theo Nghị quyết 11 để trang trải cuộc sống, đầu tư sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Ông Lê Tuấn Quang, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hà Giang cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi cho vay phục hồi kinh tế, xã hội theo Nghị quyết 11 được triển khai từ đầu năm 2022.

Xác định, đây là “đòn bẩy” để hỗ trợ hộ nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, ngân hàng đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, nhanh chóng đưa vốn tín dụng ưu đãi đến tay người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách cho vay đến tất cả các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiến hành rà soát đối tượng có nhu cầu vay vốn. Trên cơ sở rà soát đăng ký nhu cầu vay vốn với Trung ương.

Sau khi được giao nguồn vốn, triển khai nhanh chóng các bước hoàn thiện hồ sơ để giải ngân kịp thời, bảo đảm hiệu quả, đúng đối tượng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất.

Kết quả, sau hơn một năm triển khai, đến tháng 5/2023, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hà Giang đã giải ngân được trên 277 tỷ đồng, cho 3.900 khách hàng.

Trong đó, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 160 tỷ đồng, 2.560 khách hàng; chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP được hơn 67,2 tỷ đồng, 156 khách hàng; Chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập thực hiện cho vay đạt hơn 2,3 tỷ đồng với 210 khách hàng; chương trình cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập thực hiện cho vay đạt 317 triệu đồng với 5 khách hàng; chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 47,4 tỷ đồng với 969 khách hàng.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hà Giang tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành đoàn thể để triển khai nguồn vốn tín dụng theo Nghị quyết 11, đặc biệt là các chương trình tín dụng triển khai theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng với đó phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trước và sau cho vay, bảo đảm việc triển khai thực hiện chính sách đúng đối tượng, đạt hiệu quả.