Từng bước tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất
Trong những năm qua, hệ thống trường, lớp học tại tỉnh Hà Giang phát triển theo quy hoạch, phù hợp nhu cầu thực tế ở từng địa phương. Đối với cấp học mầm non, tỉnh có 214 trường ở 195 xã, phường, thị trấn. Trong đó có hàng nghìn điểm trường lẻ tại thôn, bản. Hệ thống trường lớp phát triển, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp dẫn đến việc nhiều trường mầm non thiếu lớp học, thiếu thiết bị, đồ dùng đạt tiêu chuẩn. Đó là những “rào cản” lớn cần giải quyết đối với tỉnh Hà Giang khi bước vào thực hiện công tác PCGDMN cho trẻ năm tuổi.
Tại huyện Quản Bạ, thời điểm năm học 2010 - 2011, 100% số trường mầm non thiếu thiết bị dạy học theo quy định; hầu hết điểm trường thôn, bản phải học nhờ trụ sở thôn hoặc điểm trường tiểu học; một số trường chính như Trường mầm non xã Tùng Vài, xã Nghĩa Thuận chưa được đầu tư xây dựng... Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Hạng Dương Thành cho biết, trước thực tế trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Quản Bạ có chủ trương ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học cho các trường mầm non, nhất là trường mầm non xây dựng đạt chuẩn quốc gia và các lớp mầm non năm tuổi.
Do đó, năm năm qua mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng Quản Bạ đã dành gần 30 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng phòng học, nhà công vụ giáo viên, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho bậc học mầm non. Bên cạnh đó, vào đầu năm học, phòng GD và ĐT phối hợp các xã rà soát cơ sở vật chất các điểm trường của trường tiểu học, trụ sở thôn để phân bổ, sử dụng phòng học cho bậc học mầm non. Nhờ đó, số phòng học cho mầm non được bảo đảm, tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố tăng lên. Đến nay, tất cả các phòng học cho trẻ năm tuổi bảo đảm tiêu chuẩn, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập, vui chơi của các cháu.
Không chỉ ở Quản Bạ, việc giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, đồ dùng, thiết bị cho các lớp học mầm non năm tuổi được tất cả các huyện, thành phố ở Hà Giang quan tâm. Trên cơ sở rà soát thực trạng trường, lớp học, UBND các huyện, thành phố quyết định ưu tiên, phân bổ nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, thiết bị cho bậc học mầm non từ vốn ngân sách và chương trình mục tiêu quốc gia.
Trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở GD và ĐT Hà Giang Trần Kim Thịnh cho biết, hệ thống trường, lớp học phát triển rộng khắp, trong đó có hàng nghìn điểm trường thôn, bản cho nên việc đầu tư đồng bộ khó thực hiện được trong một vài năm. Do đó, tỉnh Hà Giang đã thực hiện mô hình sáp nhập điểm trường, gom học sinh tiểu học tại các điểm trường về trường chính học tập, bàn giao phòng học cho trường mầm non sử dụng, ưu tiên cho các lớp năm tuổi.
Với cách làm này, tỉnh vừa giảm được áp lực đầu tư công lại giải quyết ngay cho hàng trăm điểm trường mầm non thôn, bản có lớp học kiên cố được bàn giao từ các trường tiểu học. Vì vậy, mặc dù xuất phát điểm khó khăn, nhưng đến năm 2015, tỉnh Hà Giang bảo đảm 100% số trường mầm non đủ phòng học đạt yêu cầu theo quy định; gần 100% các lớp mẫu giáo năm tuổi có phòng học kiên cố, phòng học bán kiên cố bảo đảm diện tích quy định; tất cả các lớp mẫu giáo năm tuổi có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu theo quy định, có môi trường bảo đảm xanh, sạch, đẹp, an toàn...
Huy động nguồn lực từ xã hội hóa giáo dục
Cùng với việc tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, công tác xã hội hóa giáo dục cũng được tỉnh Hà Giang chú trọng. Vị Xuyên là một trong những huyện điển hình ở Hà Giang thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác PCGDMN cho trẻ năm tuổi. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Đặng Thị Phượng, huyện thường xuyên kêu gọi, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục mầm non. Từ năm 2010 đến nay, huyện huy động nguồn xã hội hóa giáo dục hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường mầm non được hơn 10 tỷ đồng. Một số trường còn xây dựng mô hình bán trú, trong đó vận động phụ huynh góp củi, rau, củ, quả và luân phiên nấu ăn hoặc góp tiền chi trả cho cô nuôi để tổ chức ăn cho trẻ năm tuổi tại trường. Nếu như năm 2011, huyện chưa có điểm trường nào tổ chức nấu ăn cho trẻ thì đến nay, 100% số các trường chính và 28 điểm trường thôn, bản đều tổ chức nấu ăn cho trẻ.
Trong điều kiện khó khăn chung của một tỉnh miền núi, các huyện, thành phố đặc biệt quan tâm tuyên truyền, vận động các tổ chức chính trị xã hội, các nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục, vận động học sinh đi học, chăm lo đến đời sống cán bộ, giáo viên, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Theo báo cáo của Sở GD và ĐT Hà Giang, năm năm vừa qua, tổng kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non gần 40 tỷ đồng. Điển hình như Tập đoàn than Việt Nam đầu tư xây nhà lớp học cho Trường mầm non Hoa Lan (Mèo Vạc) với trị giá bảy tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư cho hai Trường mầm non Chí Cà (Xín Mần) và Sơn Vĩ (Mèo Vạc) gần 10 tỷ đồng; Công ty giấy An Hòa (tỉnh Tuyên Quang) đầu tư xây dựng Trường mầm non Pải Lủng, huyện Mèo Vạc là 1,5 tỷ đồng...
Từ năm học 2015 - 2016, gần 50 trẻ ở thôn Sủng Cáng, xã Sủng Tráng, huyện Mèo Vạc được học trong điểm trường mới với đủ thiết bị, đồ chơi do Đoàn từ thiện Hà Nội đầu tư xây dựng trị giá hơn 600 triệu đồng. Hiệu trưởng Trường mầm non Sủng Tráng, Phạm Thị Năm vui vẻ cho biết: “Có điểm trường kiên cố với đầy đủ các công trình phụ trợ giúp nhà trường thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Ngay trong năm học này, điểm trường có điều kiện tổ chức nghỉ và ăn trưa cho các cháu, một điều mà những năm trước khó thực hiện do thiếu cơ sở vật chất”. Việc huy động nhân dân chăm lo công tác PCGDMN cho trẻ năm tuổi được quan tâm, vào đầu năm học, chính quyền các xã vùng cao phối hợp các trường huy động phụ huynh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ đóng góp ngày công lao động, vật liệu xây dựng sửa chữa, cải tạo khuôn viên, làm hàng rào, xây dựng vườn cây, vườn rau, vườn hoa, khu sân chơi phát triển vận động cho trẻ.
Trưởng phòng giáo dục Mầm non, Sở GD và ĐT Hà Giang, Trần Kim Thịnh khẳng định: “Công tác PCGDMN cho trẻ năm tuổi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, do đó, tỉnh Hà Giang không chỉ giải quyết được những khó khăn về cơ sở vật chất mà các điều kiện về giáo viên, trẻ em đều đạt cao”. Đến nay, 100% số trường, lớp thuộc đơn vị cấp huyện đều có đủ số giáo viên, bảo đảm chuẩn và trên chuẩn về trình độ; 100% số trẻ năm tuổi người dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp một; tất cả các trẻ được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách hiện hành. Hầu hết các trường tổ chức bán trú có sử dụng phần mềm dinh dưỡng tính khẩu phần ăn và quản lý bữa ăn. Hầu hết các trường có máy vi tính nối mạng in-tơ-nét phục vụ quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ và ứng dụng thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn.