Gùi góp gạo trong tang ma của người Mnông

Gùi là vật dụng phổ biến trong sinh hoạt, lao động sản xuất của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ở miền đất này có khá nhiều loại gùi; trong đó, chiếc gùi dùng để góp gạo trong tang ma của người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk có nét văn hóa độc đáo riêng.
0:00 / 0:00
0:00
Chiếc gùi luôn gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Chiếc gùi luôn gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Đến với các buôn làng người Mnông ở huyện Lắk, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những phụ nữ, các cô gái trẻ, kể cả những em nhỏ đeo gùi trên lưng đi nương, đi rẫy, xuống suối lấy nước hay gùi hàng hóa ra chợ bán rồi mua thực phẩm gùi về nhà... Điều thú vị là những chiếc gùi được người phụ nữ sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày lại được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của người đàn ông Mnông.

Mỗi lần về công tác ở buôn cổ M’Liêng, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tôi đều ghé thăm vài gia đình trong buôn và chứng kiến, hầu như gia đình nào cũng treo những chiếc gùi có kích cỡ, kiểu dáng khác nhau, được trang trí hài hòa.

Thấy tôi tò mò, ông Y Tang Cil, người lớn tuổi trong buôn giải thích: Người Mnông nơi đây có nhiều loại gùi, tùy nhu cầu sử dụng để chọn gùi đi nương, lên rẫy; gùi để các vật dụng có giá trị trong nhà; gùi để trang trí, làm đẹp… Đặc biệt, có cả gùi dành cho tang ma.

Khi được giới thiệu chiếc gùi dành cho tang ma, thấy tôi càng tò mò hơn nên ông Y Tang giải thích cặn kẽ: Gùi được sử dụng trong tang ma của người Mnông là loại gùi được đan nhỏ hơn so với các loại gùi khác, cao từ 17 đến 27cm, được đan theo kỹ thuật đan lóng đôi, nan xéo, tạo dạng hình trụ tròn, đáy vuông, vành miệng cạp bằng tre và quấn buộc bằng dây mây. Gùi có hai quai đeo, được tết bằng mây và luồn từ đáy lên bên trong vành miệng, đáy bắt hai thanh tre chéo nhau tạo chữ X.

Đối với đồng bào Mnông ở huyện Lắk, hầu như gia đình nào cũng có chiếc gùi này và chỉ sử dụng khi trong buôn có tang ma. Gùi được dân làng sử dụng để đựng gạo góp cho gia đình có người mất, định mức gạo góp của mỗi gia đình được quy định bằng một gùi nhỏ.

Có thể nói, ngoài việc được sử dụng trong lao động hằng ngày, chiếc gùi còn trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Mnông, thể hiện sự gắn kết, sẻ chia giữa các thành viên trong cộng đồng buôn làng.

Theo ông Y Tang, với phong tục của đồng bào Mnông, mỗi khi gia đình nào trong buôn có người mất thì cả buôn cùng đến chia buồn và giúp đỡ gia đình lo toan mọi việc chu đáo. Để đáp lại tình cảm của bà con buôn làng, gia đình có người mất tổ chức nấu cơm cho bà con ăn uống trong những ngày ở lại giúp việc. Do số lượng người đông nên việc góp gạo này nhằm chia sẻ khó khăn với gia đình có người mất.

Đây là một nét đẹp văn hóa, thể hiện sự gắn kết và chia sẻ giữa các thành viên trong cộng đồng rất cao nên được đồng bào Mnông gìn giữ cho đến ngày nay.

Để bảo tồn và giới thiệu nét văn hóa độc đáo cũng như những tiện ích của chiếc gùi trong đời sống sinh hoạt, lao động của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Bảo tàng Đắk Lắk đã sưu tầm và đang lưu giữ, bảo quản bộ sưu tập hơn 100 chiếc gùi của người Ê Đê, Mnông, Gia Rai, Bru Vân Kiều…, trong đó, có chiếc gùi góp gạo tang ma của người Mnông ở huyện Lắk.

Nếu có dịp đến Đắk Lắk, nếu du khách không có điều kiện về các buôn làng, chỉ cần đến bảo tàng tỉnh, thông qua bộ sưu tập gùi này, cũng có thể cảm nhận nét văn hóa độc đáo và đặc trưng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có nhiều vật dụng tiện ích phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nhưng những chiếc gùi vẫn được sử dụng phổ biến tại các buôn làng, bởi sự tiện dụng, giá trị văn hóa, thẩm mỹ và là sản phẩm du lịch giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế.