Góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 từ yêu cầu của thực tiễn xét xử

NDO - Ngày 12/6, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 từ yêu cầu của thực tiễn xét xử”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo “Góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 từ yêu cầu của thực tiễn xét xử”.
Quang cảnh hội thảo “Góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 từ yêu cầu của thực tiễn xét xử”.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, sau gần 10 năm thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, một số quy định đã bộc lộ những hạn chế cần được hoàn thiện để theo kịp yêu cầu của đời sống xã hội.

Trong đó, có thể kể đến quy định về thẩm quyền xét xử của tòa án chưa hợp lý; quy định về chứng cứ, chứng minh chưa bảo đảm toàn diện nguyên tắc tranh tụng; thủ tục tố tụng còn bộc lộ những hạn chế cần được hoàn thiện.

Đề cập đến sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cùng Thạc sĩ Nguyễn Đức Phước, Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, với yêu cầu nội luật hóa cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh nhiều vấn đề mới, cũng như vấn đề xây dựng tòa án điện tử, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 để nâng cao vị thế, uy tín, tạo điều kiện để tòa án Việt Nam phát triển ngang tầm với trình độ phát triển chung của các tòa án trong khu vực và trên thế giới là yêu cầu cần phải đặt ra và đáp ứng.

Góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 từ yêu cầu của thực tiễn xét xử ảnh 1

Chuyên gia phát biểu tại hội thảo “Góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 từ yêu cầu của thực tiễn xét xử”.

Tại hội thảo, các chuyên gia pháp lý cho rằng, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 đã và đang phát huy được vai trò của nó. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật, ít hay nhiều bộ luật này đã xuất hiện những bất cập nhất định liên quan đến xác định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ. Vì vậy, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 từ thời điểm này là cần thiết.

Hội thảo nhằm đề xuất một số giải pháp để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 theo định hướng của Đảng là “Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Áp dụng hiệu quả thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp”.

Hội thảo cũng là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, người hành nghề luật, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên trao đổi, thảo luận về các bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn xét xử áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Qua đó, đề xuất các giải pháp để kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền trong việc định hướng hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự trong giai đoạn mới.