Phát triển bền vững Tiểu vùng sông Mekong

NDO - Ngày 7/6, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Tiểu vùng sông Mekong”.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.
Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, các cơ quan liên quan… trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu trở thành mối quan ngại toàn cầu, khu vực Tiểu vùng sông Mekong đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, vượt qua mọi dự báo và kịch bản ứng phó.

Các vấn đề như suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, hạn hán kéo dài và lũ lụt gia tăng đang trở nên nghiêm trọng.

Nguyên nhân chính là biến đổi khí hậu toàn cầu và tình trạng khai thác tài nguyên nước không kiểm soát của các quốc gia ven sông.

Điều này không chỉ gây thiệt hại kinh tế nặng nề mà còn kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng khác liên quan đến an ninh lương thực, nguồn nước, năng lượng, và sự di dân do biến đổi khí hậu.

Phát triển bền vững Tiểu vùng sông Mekong ảnh 1

Quang cảnh hội thảo.

Các quốc gia lưu vực sông Mekong có những “khác biệt cơ bản” về chính sách khai thác nguồn tài nguyên nước, đặt ra nhiều thách thức không chỉ về mặt pháp lý mà còn trên mặt trận chính trị và ngoại giao khu vực.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, sông Mekong đóng vai trò huyết mạch trong việc duy trì điều kiện tự nhiên trù phú của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa gạo lớn nhất của Việt Nam.

Do đó, nghiên cứu về cơ chế hợp tác, phát triển sông Mekong không chỉ là nghiên cứu thuần túy về mặt học thuyết, mà còn đóng góp trực tiếp vào việc điều chỉnh chính sách quốc gia, bảo đảm an ninh khu vực và tối đa hóa lợi ích quốc gia.

Hội thảo nhằm tạo môi trường thuận lợi để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, học giả có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức liên quan đến khai thác nguồn tài nguyên, tăng cường cơ chế hợp tác toàn diện giữa các quốc gia lưu vực sông Mekong.

Phát triển bền vững Tiểu vùng sông Mekong ảnh 2

Đại biểu phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo diễn ra với ba phiên làm việc gồm: Mekong và mục tiêu phát triển bền vững trên sông Mekong; Khai thác tài nguyên nước trên sông Mekong; Đẩy mạnh hoạt động thương mại quốc tế, đầu tư, bảo đảm quyền con người nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững tại Tiểu vùng sông Mekong.

Sông Mekong, với chiều dài và tầm quan trọng của nó, là con sông dài nhất khu vực Đông Nam Á và là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên thế giới.
Sông chảy qua lãnh thổ của sáu quốc gia: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, mang lại nguồn tài nguyên quý báu nuôi sống hàng chục triệu người dọc theo lưu vực.