Sáng 28/2, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo tham vấn xin ý kiến đối với Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số trường đại học, viện nghiên cứu…
Các nhiệm vụ, khâu đột phá cần có trọng tâm, trọng điểm
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị hết sức đặc biệt, là cửa ngõ quan trọng kết nối vùng Đông Nam Bộ cũng như đồng bằng sông Cửu Long và cả nước với khu vực và thế giới, là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, là đầu tàu, là động lực có sức hút, sức lan tỏa lớn cho vùng Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, thời gian qua, phát triển của thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các tiềm năng, thế mạnh của thành phố chưa được khai thác một cách hiệu quả; tính vượt trội, sự năng động, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt của Thành phố Hồ Chí Minh đối với vùng và cả nước đang có chiều hướng suy giảm; ngay cả đóng góp vào GDP của cả nước cũng đang giảm dần theo các năm, đến năm 2023 chỉ còn 16,5%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc hội thảo. |
Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế của thành phố chậm thay đổi; chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động đang thấp hơn trung bình của cả nước; tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần, từ 25% năm 2015 xuống 22,46% năm 2022. Cơ cấu nội bộ của ngành công nghiệp còn lạc hậu, hiện đang dựa nhiều vào thâm dụng lao động; dịch vụ chủ yếu dựa vào thương mại, vận tải…
Để bảo đảm Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng cao nhất, hiệu quả và khả thi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu tập trung cho ý kiến về xác định các vấn đề trọng tâm cần giải quyết hiện nay của thành phố; các khâu đột phá phát triển của thành phố trong thời kỳ quy hoạch. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề hết sức quan trọng, cần phải có trọng tâm, trọng điểm, trước mắt là thời kỳ 2021-2030.
“Liệu các vấn đề trọng tâm cần giải quyết của thành phố đã được xác định hợp lý chưa; nội dung, nội hàm của các đột phá đề ra trong dự thảo báo cáo quy hoạch đã đủ mạnh, mang tính đột phá và tương xứng với các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của thành phố chưa; những vấn đề trọng tâm và các khâu đột phá trong thời gian tới là gì…” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở.
Quang cảnh hội thảo. |
Bộ trưởng cũng đề nghị cho ý kiến về các quan điểm, mục tiêu, kịch bản phát triển, tầm nhìn, sứ mệnh của thành phố trong thời kỳ quy hoạch; xác định các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên và định hướng, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực đó; định hướng tổ chức không gian phát triển của thành phố, các hành lang công nghiệp, đô thị và dịch vụ, các tiểu vùng, các khu vực khuyến khích phát triển và các khu vực hạn chế phát triển, các cực tăng trưởng giữ vai trò trung tâm của thành phố.
Đồng thời, cho ý kiến về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế gắn với việc tổ chức không gian phát triển của thành phố; khả năng kiến tạo một không gian sống, làm việc hấp dẫn để thu hút nguồn lực, nhân tài, tinh hoa trong và ngoài nước đến làm việc, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh; định hướng, giải pháp giải quyết các điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, an sinh xã hội, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn.
Bộ trưởng cũng lưu ý về việc xác định các định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật của thành phố, trong đó có vấn đề về phát triển, sử dụng hiệu quả không gian ngầm, hạ tầng giao thông, phát triển hạ tầng số, việc quy hoạch, phát triển đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần phải đưa ra được những giải pháp đột phá để giải quyết các vấn đề thách thức hiện nay là ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập úng… “Đây là những vấn đề chúng ta phải tập trung giải quyết sớm, thậm chí là phải nhanh, không thì sau này sẽ mất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức hơn” - Bộ trưởng nói.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ đảm nhận vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, đặt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu ý kiến. |
Bên cạnh đó, thành phố cũng nhận thức rõ vai trò, vị trí điều phối của mình trong liên kết vùng, trước hết là vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. “Liên kết vùng, hợp tác quốc tế, xác định lợi thế cạnh tranh để chọn hướng đi phù hợp, là những vấn đề mà Thành phố Hồ Chí Minh nhận thức” - đồng chí Phan Văn Mãi nêu rõ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn nhận được sự tham vấn, góp ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học để làm sao bản quy hoạch có thể nhận diện hết các điểm nghẽn, khai mở hết các tiềm năng, tạo không gian và động lực mới cho sự phát triển của thành phố.
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 40%
Báo cáo tóm tắt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, dự thảo Quy hoạch xác định 4 quan điểm phát triển.
Thứ nhất, xây dựng và phát triển Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, vì cả nước, cùng cả nước theo định hướng: kinh tế xanh, xã hội văn minh, đô thị sáng tạo, hạ tầng thông minh và môi trường bền vững.
Thứ hai, phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi, tạo ra đột phá; đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường liên kết vùng.
Đại diện đơn vị tư vấn báo cáo tóm tắt dự thảo Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Thứ ba, phát triển bền vững đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, theo mô hình đô thị toàn cầu, đa trung tâm.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đô thị, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và đối ngoại.
Về mục tiêu tổng quát, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030 đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố toàn cầu bền vững, kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, đáng sống, hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước.
Dự thảo Quy hoạch cũng đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: (1) hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo ra bước chuyển có tính đột phá trong việc thực hiện quy hoạch; (2) phát triển kinh tế nhanh, bền vững; đẩy mạnh áp dụng các mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo: kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn… và một số lĩnh vực kinh tế đặc thù: kinh tế đô thị, kinh tế biển...; (3) nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; thích nghi với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại bằng nhiều nguồn lực; (4) phát triển mạnh mẽ văn hóa-xã hội, giáo dục và đạo tạo, chăm sóc sức khỏe, xây dựng con người của Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình; (5) bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hòa nhập quốc tế; (6) cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả quản trị đô thị.
Cùng với đó là 5 khâu đột phá trong: hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và liên kết vùng; huy động các nguồn lực phát triển các ngành kinh tế và các lĩnh vực xã hội quan trọng; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược; đột phá trong việc triển khai thực hiện một số siêu dự án có tầm chiến lược.
Tập trung giải quyết những điểm nghẽn
Cho ý kiến vào dự thảo quy hoạch, Tiến sĩ Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh cần làm rõ vai trò, vị trí của Thành phố Hồ Chí Minh trong mối tương quan với cả nước, vùng Đông Nam Bộ và khu vực Đông Nam Á; đồng thời, phân tích để tìm ra nguyên nhân tăng trưởng của thành phố giảm dần trong những năm qua, từ đó có giải pháp đảo chiều.
Liên quan đến các điểm nghẽn mà Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt, vị chuyên gia này cho biết điểm nghẽn lớn nhất là môi trường đất đai cho phát triển của thành phố, theo đó cần cơ cấu lại sử dụng đất thế nào để các khu công nghiệp có thể đẩy mạnh thu hút đầu tư. Ngoài ra, thành phố cũng cần lưu tâm đến điểm nghẽn về hạ tầng khi mà tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng… thời gian qua đã gây thiệt hại khá lớn.
Một điểm nghẽn khác được Tiến sĩ Cao Viết Sinh nhấn mạnh là cơ cấu kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực sự hợp lý, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Theo ông, các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá đề ra phải bám sát việc tháo gỡ, xử lý những điểm nghẽn.
Đối với chỉ tiêu kinh tế số đóng góp 40% trong GRDP, Tiến sĩ Cao Viết Sinh cho rằng cần phải làm rõ các giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu tham vọng này.
Phát biểu tại hội thảo, ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á nêu rõ, với ưu thế về nguồn nhân lực và điều kiện kinh tế-xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều cơ hội từ xu thế thế dịch chuyển các dịch vụ chung quanh ngành sản xuất ra khỏi Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh được với các thành phố khác như Singapore hay Kuala Lumpur, Thành phố Hồ Chí Minh cần có những định hướng, giải pháp cụ thể.
Dẫn thí dụ về tập đoàn Meta để thấy được vai trò của trí tuệ nhân tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng, ông Lewis Malone cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần lưu tâm đến lĩnh vực này để phát triển các ngành dịch vụ, các ngành công nghiệp sáng tạo, chẳng hạn như ngành phim hay quảng cáo, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng mới.
Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần bám sát các nghị quyết của Trung ương, các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, định hướng của quy hoạch vùng, nhiệm vụ quy hoạch phát triển của thành phố, đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo các xu hướng phát triển mới như kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm.
Đặc biệt, cần nhấn mạnh định hướng phát triển trung tâm tài chính quốc tế đã được xác định trong Nghị quyết 24 của Trung ương cũng như Nghị quyết 81 của Quốc hội. Đồng thời, rà soát lại kịch bản tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng làm sao để thành phố phát triển nhanh hơn, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước và vùng Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, việc xác định các ngành, lĩnh vực quan trọng, tổ chức không gian phát triển phải bám sát Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, trong đó lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế-xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực con người, phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thành phố cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và hiệu quả; giải quyết tốt các vấn đề ách tắc giao thông; khai thác mạnh mẽ không gian ngầm gắn với các tuyến giao thông ngầm. Đồng thời, cần phải có các giải pháp đột phá trong huy động và phân bổ các nguồn lực…