Hạn hán và lũ lụt chưa từng có
Theo báo cáo cập nhật tình trạng hạn hán, do Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (UNOCHA) công bố ngày 29/11, khu vực Sừng châu Phi đang đối mặt tình trạng khẩn cấp do hạn hán chưa từng có, với những hậu quả thảm khốc. Theo báo cáo, khu vực này đang trong mùa mưa khô hạn thứ năm liên tiếp, với lượng mưa giảm liên tục, trong đó mùa mưa năm nay trở thành mùa khô hạn nhất trong 70 năm qua, hạn hán trong giai đoạn 2020-2022 đã vượt mọi giai đoạn cả về thời gian và mức độ nghiêm trọng. UNOCHA ước tính, trong những tháng cuối năm 2022, ít nhất 36,4 triệu người trên khắp vùng Sừng châu Phi bị ảnh hưởng hạn hán kéo dài. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tại Ethiopia với 24,1 triệu người, Somalia 7,8 triệu người và Kenya 4,5 triệu người.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cũng cho biết, tất cả các khu vực trên toàn cầu đã hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến nước, gồm cả hạn hán và lũ lụt; hàng tỷ người đã không có đủ nước ngọt để sử dụng. Trong báo cáo lần đầu công bố, mang tên “Thực trạng tài nguyên nước toàn cầu”, WMO nêu rõ: Năm 2021, các khu vực lớn trên thế giới đều ghi nhận tình trạng khô hạn hơn so thông thường. Mực nước tại các sông ở Paraguay và miền nam Brazil xuống mức thấp nhất trong lịch sử, trong khi lũ lụt kỷ lục hoành hành tại Tây Âu và khu vực rừng Amazon trải dài trên lãnh thổ chín quốc gia. Lưu lượng nước giảm mạnh tại các sông lớn ở châu Mỹ và khu vực Trung Phi, nhưng tăng trên mức trung bình ở miền bắc Ấn Độ và miền nam châu Phi.
Theo WMO, thay đổi về lượng nước tác động không chỉ tới hệ sinh thái, mà với cả sản xuất lương thực và sức khỏe con người. Sông băng đang tan chảy rất nhanh ảnh hưởng tới 1,9 tỷ người. Khoảng 3,6 tỷ người không có đủ nước ngọt sử dụng trong ít nhất một tháng mỗi năm và con số này dự kiến tăng lên 5 tỷ vào năm 2050.
Sử dụng hiệu quả nguồn nước
Nghiên cứu của LHQ cho thấy, có tới 74% số các thảm họa thiên nhiên từ năm 2001 đến năm 2018 có liên quan nguồn nước và là hậu quả trực tiếp của BĐKH, tác động nghiêm trọng và ngày càng tăng đối với nền kinh tế và cuộc sống hằng ngày của con người. Báo cáo của WMO chỉ rõ: Những thay đổi của tài nguyên nước ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh lương thực, sức khỏe con người, tính toàn vẹn và ổn định của hệ sinh thái, đồng thời tác động đáng kể đến sự phát triển kinh tế-xã hội.
Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) vừa diễn ra tại Ai Cập, LHQ đã kêu gọi các chính phủ tiếp tục lồng ghép vấn đề nguồn nước vào các hành động, chương trình về thích ứng biến đổi khí hậu. WMO nhấn mạnh, báo cáo “Thực trạng tài nguyên nước toàn cầu” đầu tiên này nhằm lấp lỗ hổng kiến thức và cung cấp cái nhìn tổng quan về nguồn nước và tình trạng trên khắp thế giới. Qua đó, khuyến khích các nguồn đầu tư và nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động và thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là dự án của LHQ về nâng cao khả năng tiếp cận hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai.
WMO kêu gọi các quốc gia, vùng lãnh thổ đẩy mạnh triển khai các hệ thống cảnh báo sớm về hạn hán và lũ lụt, nhằm hạn chế hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan tới nước, cũng như giúp quản lý và sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên nước ngọt, vốn có hạn nhưng nhu cầu lại ngày một tăng.