Triết lý "lấy con người làm trọng tâm cho mọi chiến lược phát triển" được Becamex IDC áp dụng xuyên suốt trong hơn 30 năm qua cũng chính là điểm tựa cho những khát vọng phát triển mới.
Tiên phong kiến tạo mô hình "công nghiệp - đô thị và dịch vụ"
Tiếp nối thành công từ mô hình KCN Việt Nam-Singapore và các KCN Mỹ Phước, KCN Bàu Bàng - những mô hình KCN đã được lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố, chuyển đổi chiến lược theo hướng phát triển xanh và thông minh gắn với đổi mới sáng tạo, Tổng công ty Becamex IDC đang triển khai KCN Cây Trường có quy mô 700 ha tại huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương).
Là KCN thế hệ mới, KCN Cây Trường được Tổng công ty Becamex IDC chú trọng thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo, nước, xử lý chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh, nhằm mang lại sự an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả cho các khách hàng cùng người lao động.
Tự hào chia sẻ về KCN Cây Trường đang được triển khai đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia, các dự án có công nghệ hiện đại, Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận cho biết, đây là KCN thế hệ mới, được xây dựng theo mô hình hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới, với nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, kết hợp với hạ tầng giao thông kết nối vùng, hệ thống logistics, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đầy đủ dịch vụ y tế, giáo dục và hạ tầng xanh, tạo ra môi trường sống và làm việc tốt cho chuyên gia và người lao động.
Ông Phạm Ngọc Thuận tin tưởng, với những điểm mới vượt trội này, KCN Cây Trường sẽ tạo lực hấp dẫn mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, tạo niềm tin để nhà đầu tư yên tâm hoạt động và giúp địa phương phát triển ổn định và bền vững…
Với truyền thống hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển hạ tầng KCN, đô thị và dịch vụ, Tổng công ty Becamex IDC là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện và triển khai mô hình phát triển "công nghiệp - đô thị và dịch vụ" khi liên doanh với đối tác Singapore là Tập đoàn Sembcorp hình thành Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam-Singapore.
Được xem là biểu tượng hợp tác kinh tế thành công giữa hai nước Việt Nam và Singapore, khởi đầu từ năm 1996, đến nay, mô hình KCN Việt Nam-Singapore đã lan tỏa rộng khắp đất nước với 17 dự án, cung cấp hạ tầng sản xuất cho gần 900 khách hàng đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư hơn 19 tỷ USD; tạo việc làm cho gần 300 nghìn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp chung quanh các KCN, góp phần vào thay đổi cơ bản diện mạo những khu vực có sự hiện diện của KCN Việt Nam-Singapore.
Minh chứng rõ nét, tuy mới đi vào hoạt động nhưng KCN Việt Nam-Singapore 3 (VSIP 3) tại Bình Dương đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn và có tầm, trong đó có Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đầu tư dự án hơn một tỷ USD; Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) đầu tư dự án hơn 100 triệu USD...
Thực tế cho thấy, tại các địa phương có các KCN được Tổng công ty Becamex IDC đầu tư đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển rất nhanh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) Võ Thành Giàu chia sẻ, từ huyện thuần nông, nhờ có KCN Bàu Bàng và KCN Bàu Bàng mở rộng, từ năm 2014 đến nay, kinh tế của huyện Bàu Bàng luôn có mức tăng trưởng bình quân hằng năm 18,84%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 4,72 lần và đạt 35.361 tỷ đồng vào năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng bình quân hằng năm 23,88% và đạt 9.878 tỷ đồng năm 2023; thu hút đầu tư nước ngoài từ 50 dự án có vốn đầu tư hơn 730 triệu USD tăng lên 283 dự án với vốn hơn 4,6 tỷ USD, thu hút đầu tư trong nước từ 170 dự án có vốn đầu tư 14.460 tỷ đồng đã tăng lên 1.216 dự án với vốn đầu tư hơn 32.535 tỷ đồng…
Tương tự, tại thành phố Bến Cát (tỉnh Bình Dương), các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 và Thới Hòa đạt hiệu quả rất cao trong việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế, góp phần giúp thành phố Bến Cát thu hút 866 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD…
Mô hình thế hệ mới gắn với thu hút đầu tư thông minh
Bên cạnh việc kiến tạo hạ tầng KCN nhằm tạo động lực phát triển, Tổng công ty Becamex IDC đã đồng hành cùng tỉnh Bình Dương thực hiện chiến lược phát triển thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo theo mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể, cuối năm 2016, tỉnh Bình Dương phê duyệt Đề án Thành phố thông minh Bình Dương với hạt nhân là thành phố mới Bình Dương. Với sự đồng hành của Tổng công ty Becamex IDC, dựa trên sự hợp tác giữa tỉnh Bình Dương và thành phố Eindhoven, giữa Tổng công ty Becamex IDC và Brainport, Đề án Thành phố thông minh Bình Dương đã cho quả ngọt rất đáng ghi nhận.
Với truyền thống và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển hạ tầng "công nghiệp - đô thị và dịch vụ", Tổng công ty Becamex IDC vừa mang lại những thành quả vượt bậc ở Bình Dương, vừa đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước theo định hướng của Chính phủ và Chương trình hợp tác giữa tỉnh Bình Dương với các tỉnh, thành phố bạn, nhằm nhân rộng mô hình thành công của tỉnh Bình Dương; đặc biệt là mô hình phát triển "công nghiệp-đô thị và dịch vụ".
Trong quá trình phát triển mô hình này, triết lý "lấy con người làm trọng tâm cho mọi chiến lược phát triển" được Tổng công ty Becamex IDC thực hiện xuyên suốt. Việc bảo đảm về quyền lợi, đời sống ổn định và việc làm lâu dài cho người dân vùng quy hoạch luôn được doanh nghiệp đặc biệt chú trọng. Ở vùng phát triển các KCN, người dân phải có cuộc sống khấm khá nhiều hơn trước.
Chính vì vậy, tại các KCN do Becamex IDC đầu tư, việc phát triển công nghiệp càng nhanh thì đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Từ đó quan niệm "bị quy hoạch" dần chuyển sang "được quy hoạch", nguyện vọng đóng góp và tham gia thực hiện phát triển công nghiệp ngày càng cao và người dân luôn đồng thuận ủng hộ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đánh giá, là doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh Bình Dương, Tổng công ty Becamex IDC đã góp phần quan trọng trong hiện thực hóa Đề án Thành phố thông minh Bình Dương.
Trong chuyển đổi mô hình phát triển "công nghiệp-đô thị và dịch vụ" theo hướng thông minh và bền vững, Tổng công ty Becamex IDC đã và đang góp phần giúp tỉnh xây dựng những KCN thế hệ mới và nâng cấp các KCN hiện hữu trở thành các KCN xanh, thông minh, có khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như: IoT, Big Data… nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Theo ông Võ Văn Minh, tiến tới tỉnh chủ trương hình thành các hệ sinh thái kết nối theo mô hình "công nghiệp-đô thị và dịch vụ" gắn liền với khoa học và công nghệ để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ số, kinh tế số trên toàn địa bàn tỉnh. Nhờ đó, tỉnh Bình Dương sẽ vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp, nhằm xây dựng một hệ sinh thái mới, bổ sung cho hệ sinh thái hiện hữu, đáp ứng cao nhất nhu cầu của người lao động, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện hiện nay.
Với việc hiện thực hóa Chiến lược thành phố thông minh, Bình Dương đã được gia nhập Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới ICF vào năm 2018 và liên tục trong 5 năm (2019-2023), thành phố Bình Dương được Diễn đàn này vinh danh là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (SMART 21). Trong đó, ba lần liên tiếp (năm 2021, 2022 và 2023), thành phố Bình Dương liên tục nằm trong tốp 7 Cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu của thế giới. Mới đây, thành phố Bình Dương đã được vinh danh giải thưởng tốp 1 Cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu Thế giới năm 2023.