Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho rằng: Thời gian qua, tình hình tham nhũng, tiêu cực trong các bệnh viện và cơ sở y tế công lập ở Việt Nam là do một số nguyên nhân như: Hạn chế, bất cập trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn thực thi pháp luật; những lỗ hổng của cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đấu thầu, mua sắm, bảo hiểm y tế và công tác tổ chức, cán bộ…; sự suy thoái về năng lực và liêm chính công vụ của một bộ phận cán bộ, viên chức, người lao động.
Đáng chú ý, các vụ tham nhũng, tiêu cực với quy mô lớn, nhỏ diễn ra phổ biến trên phạm vi cả nước trong các lĩnh vực mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, bảo hiểm y tế, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, quản trị nguồn nhân lực… đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, gây bức xúc trong dư luận và làm tổn hại đến uy tín của hệ thống y tế Việt Nam.
Đứng trước thực trạng nêu trên, thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã tăng cường các biện pháp kiểm soát từ phía Nhà nước như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng có liên quan đến các bệnh viện và cơ sở y tế công lập; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, kiểm soát nội bộ; hoàn thiện các quy định và các hướng dẫn thực hành về y đức, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản trị bệnh viện cho các bệnh viện, cơ sở y tế... Qua đó, đã tạo ra những chuyển biến nhất định trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, nhận thức và năng lực thực hành quản trị của các bệnh viện, cơ sở y tế công lập theo các tiêu chí tiến bộ, phổ quát vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục được nhận diện để khắc phục.
Với sự hỗ trợ từ Cục Phòng, chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; Cơ quan hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) thông qua dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam giai đoạn 2022-2024”, Viện đã nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu “Hướng dẫn thực hành quản trị bệnh viện nhằm phòng ngừa rủi ro, tham nhũng tiêu cực”.
Đến nay, bộ tài liệu đã được các chuyên gia hoàn thành dự thảo, với hai sản phẩm. Cụ thể: Báo cáo nghiên cứu tổng quan về “Quản trị tốt nhằm phòng ngừa rủi ro, tham nhũng trong bệnh viện và các cơ sở y tế”; Cẩm nang hướng dẫn kỹ năng thực hành quản trị.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Sau khi bộ tài liệu này được hoàn thành, sẽ được phát hành và trở thành tài liệu chung phục vụ các đối tượng có nhu cầu tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thực hành quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng trong các bệnh viện, cơ sở y tế công lập, đồng thời, giúp cán bộ, viên chức, người lao động tại các bệnh viện, cơ sở y tế hướng tới xây dựng một mô hình quản trị bệnh viện tốt; lấy người bệnh là trung tâm; giảm thiểu nguy cơ tham nhũng, tiêu cực và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Văn cho biết thêm.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, góp ý về một số nội dụng trọng tâm của bộ tài liệu như: Kỹ năng quản trị về đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại bệnh viện, cơ sở y tế; quản trị tốt bệnh viện trong lĩnh vực bảo hiểm y tế nhằm phòng, chống tham nhũng; thực hành phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ tại bệnh viện, cơ sở y tế; kiểm soát nội bộ nhằm phòng, chống tham nhũng trong các cơ sở y tế...