Chấn chỉnh bất cập tại một bệnh viện đầu ngành

Thời gian gần đây, có thông tin tại Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội) diễn ra tình trạng lập quỹ thu chi sai nguyên tắc tài chính. Cụ thể, các cán bộ, giảng viên tham gia giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật ở các khóa đào tạo có nguồn ngân sách nhà nước đều bị thu lại một phần tiền thù lao. Việc chi tiêu khoản thu đó lại rất mập mờ. Vấn đề gây bức xúc trong dư luận cán bộ, y bác sĩ bệnh viện trong một thời gian dài.
0:00 / 0:00
0:00
Lớp học bồi dưỡng tại Bệnh viện Việt Đức.
Lớp học bồi dưỡng tại Bệnh viện Việt Đức.

Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến (ĐT&CĐT) được tách ra từ Phòng Tổng hợp năm 2010, giữ vai trò điều phối, quản lý tập trung công tác đào tạo của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; hợp tác, liên doanh, liên kết đào tạo nguồn nhân lực y tế và phát triển năng lực khám, chữa bệnh của các tuyến điều trị với các dự án, đề án, chương trình, tổ chức trong nước và quốc tế; thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở y tế tuyến dưới; theo dõi, giám sát các hoạt động chuyên môn của các bệnh viện thuộc địa bàn chỉ đạo tuyến được Bộ Y tế phân công…

Thu chi ngoài sổ sách

Sẽ là rất bình thường nếu Trung tâm ĐT&CĐT thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và các cán bộ, giảng viên tham gia công tác chuyên môn được trả công một cách xứng đáng và đầy đủ. Nhưng điều bất hợp lý là ngay khi tiền bồi dưỡng tham gia công tác giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật về đến tài khoản, mọi người lại nhận được yêu cầu phải chuyển về một phần cho Trung tâm ĐT&CĐT. Lý do của việc thu lại tiền là để tăng nguồn thu bệnh viện. Nhưng số tiền lại bị yêu cầu chuyển vào tài khoản của cán bộ Tổ Tài chính của Trung tâm(?!).

Thông tin từ cán bộ, nhân viên bệnh viện còn cho biết, tất cả các khoản tiền được cán bộ Tổ Tài chính thu về không chuyển vào quỹ của Trung tâm mà lại chuyển vào tài khoản cá nhân của bà Trần Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm ĐT&CĐT, kiêm Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế và thiết bị Việt Đức.

Cán bộ, giảng viên tham gia hầu hết các khóa đào tạo có nguồn ngân sách nhà nước đều được yêu cầu nộp lại một phần tiền thù lao mình nhận được. Có thể kể đến ở đây như Dự án Hỗ trợ Y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng (Dự án Norred), Đề án 1816, Dự án Bệnh viện vệ tinh, Hoạt động Chỉ đạo tuyến, Đề án Khám chữa bệnh từ xa... Một số gói dịch vụ như ghép tim, ghép gan, ghép thận... chứng từ bị làm khống gây thâm hụt nguồn ngân sách. Giảng viên giảng dạy thực tế ở nhiều khóa đào tạo không đúng theo kế hoạch, mượn tên giảng viên và số buổi giảng để lấy tiền từ các giảng viên lên đến 50% số buổi giảng. Tổng số tiền Trung tâm thu lại từ các khoản chi cho các chương trình, dự án... lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm, gây nên sự bức xúc và mất đoàn kết nội bộ trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân viên Trung tâm ĐT&CĐT nói riêng và Bệnh viện Việt Đức nói chung.

Lấy thí dụ Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng năm 2018 (dự án thuộc nguồn ngân sách nhà nước). Chứng từ ký nhận tiền của giảng viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh tham gia giảng dạy khóa đào tạo được gửi từ Trung tâm ĐT&CĐT về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để khớp với chấm công. Sau khi đã khớp phần chấm công, số tiền mỗi giảng viên được thực lĩnh bị trừ tiền thuế một phần, 50% số tiền còn lại phải nộp về Trung tâm với mục đích được ghi trong chứng từ “nộp tăng nguồn bệnh viện (50%)”. Tổng số tiền trả cho các giảng viên cả khóa từ ngân sách nhà nước là 138.000.000 đồng, thì tiền nộp lại để “tăng nguồn bệnh viện” lên đến 62.100.000 đồng.

Như vậy, tiền ngân sách chi trả cho giảng viên, cán bộ chuyển giao kỹ thuật tham gia các chương trình, dự án đã bị thu lại một phần không nhỏ. Nói một cách khác là Trung tâm ĐT&CĐT đã lập quỹ ngoài sổ sách, thu chi trái với nguyên tắc tài chính. Cần đặt thêm một câu hỏi, rằng hoạt động thu chi như vậy ở Trung tâm này đã diễn ra trong bao lâu và tổng số tiền thu lại là bao nhiêu? Việc lập quỹ ngoài đương nhiên là một hành vi bị cấm nhưng việc chi tiêu quỹ đó thế nào cũng cần được làm rõ. Nó liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc lập quỹ và sử dụng…(?!). Ngoài ra, dư luận trong Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng cần được biết, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm cho vấn đề nêu trên và cho đến nay đã bị xử lý như thế nào?

Ai chịu trách nhiệm?

Làm việc với phóng viên một số báo trong buổi sáng 10/11/2023, PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thẳng thắn chia sẻ một số vấn đề. Việc thu lại tiền của giảng viên, cán bộ chuyển giao kỹ thuật là có tồn tại ở Trung tâm ĐT&CĐT. Tuy nhiên, việc thu lại này nhằm bồi dưỡng thêm cho giảng viên và chi một số khoản khác phục vụ cho chính những người tham gia các chương trình như chi phí vé máy bay, công tác phí… Nó đã được tập thể lãnh đạo, tập thể cán bộ, bác sĩ thông qua. Đại diện của Bệnh viện Việt Đức nhấn mạnh, các khoản thu này đều hình thành trên cơ chế tự nguyện. Nếu ai đồng ý sẽ chuyển tiền lại, còn không đồng ý có thể từ chối việc chuyển tiền lại về Trung tâm…

Khi được phóng viên hỏi việc thông qua của tập thể lãnh đạo, tập thể bác sĩ trong buổi họp nào, có văn bản nào không? PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh thừa nhận hoàn toàn không có văn bản giấy tờ thể hiện sự thống nhất về mặt chủ trương. Đồng nghĩa với đó thì việc chi cũng không có giấy tờ. Trung tâm chắc hẳn sẽ có một số loại giấy tờ chứng minh các khoản chi, khi tập hợp sẽ gửi lại sau… Bà Đỗ Thu Hà, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng cho biết thêm, kế toán Bệnh viện hoàn toàn không liên quan đến khoản thu này của Trung tâm ĐT&CĐT.

Cho đến hiện tại, không ai có thể xác định chính xác khoản thu ngoài sổ sách này đã được thực hiện bao lâu. Trung tâm ĐT&CĐT được tách ra khỏi Phòng Tổng hợp từ năm 2010. Như vậy ít nhiều có thể hình dung những khoản thu này sớm nhất cũng chỉ từ sau năm 2010. Một số nguồn tin từ nội bộ bệnh viện cũng xác nhận việc thu lại tiền đã được thực hiện cả chục năm nay. Tổng số tiền thu lại hằng năm thì không ai có thể biết chính xác, kể cả người đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức làm việc với phóng viên. Nhưng PGS, TS Khánh khẳng định, ngay khi nhận được một số thông tin phản ánh, ban lãnh đạo Bệnh viện đã tổ chức họp để Trung tâm ĐT&CĐT giải trình và yêu cầu dừng việc thu lại tiền của giảng viên, kỹ thuật viên ngay lập tức. Bệnh viện cũng sẽ tiếp tục kiểm tra để làm rõ một số nội dung liên quan.

Việc dừng thu lại tiền giảng viên rõ ràng là việc cần làm. Nhưng cho đến tận lúc này, vụ việc đã gây không ít bức xúc cho các giảng viên tham gia giảng dạy và bị thu tiền lại. Có rất nhiều giảng viên bày tỏ ý kiến: không ai giải thích rõ về việc thu lại tiền, tiền về tài khoản cả tháng sau mới bị đòi lại, nhiều người phải bỏ tiền túi ra mua vé máy bay chứ chưa bao giờ được Trung tâm hỗ trợ, việc mượn tên cũng không ai được biết gì cả…(?!). Tuy nhiên, vì lo ngại bị gây khó khăn trong quá trình làm việc sau này, họ đều không dám ra mặt và yêu cầu được giấu tên.

Mức độ nghiêm trọng của vụ việc chưa thể khẳng định ngay, nhưng rõ ràng nếu để nói dựa trên sự đồng thuận của các bác sĩ, giảng viên như lời của ông Khánh thì có mâu thuẫn. Sự đồng thuận chỉ được nhắc đến một lần duy nhất trên văn bản tại cuộc họp xử lý đơn thư nặc danh của Trung tâm ĐT&CĐT. Trong đó có nhắc đến một thỏa thuận của Trung tâm này với Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa: “Họp thống nhất trước triển khai các gói dịch vụ đến từng cán bộ được phân công giảng dạy, nếu các cán bộ không đồng thuận việc trích nộp quỹ thì sẽ không thực hiện việc tạo quỹ chi bù như hiện nay mà chi theo đúng thông tư, theo nghị định”. Một thời gian ngắn sau khi văn bản này ban hành, việc thu quỹ ngoài đã bị dừng hoàn toàn.

Ngoài câu chuyện lập quỹ ngoài sổ sách, trong Trung tâm vẫn còn một số vấn đề khác gây dư luận tiêu cực. Một trong những vấn đề đó liên quan đến một Phó Giám đốc Trung tâm, tuy đã về hưu nhưng vẫn tiếp tục ký duyệt một số văn bản chỉ đạo của trung tâm và thực hiện công việc quản lý. PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh đã xác nhận cán bộ này đã về hưu từ năm 2019. Trong ngành y tế có đặc thù một số cán bộ có trình độ chuyên môn cao, khi hết tuổi vẫn được giữ lại nhưng chỉ tham gia công tác chuyên môn, không làm các công việc quản lý. Để bảo đảm tính khách quan, bệnh viện sẽ xác minh thêm những bất cập còn lại và kịp thời chấn chỉnh. Dư luận cũng hy vọng lãnh đạo bệnh viện sớm có câu trả lời thỏa đáng, dứt điểm vụ việc, qua đó ổn định tâm lý của tập thể cán bộ, y bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.