Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, những tư tưởng về chính sách đối với nhà giáo đến một lúc nào đó phải được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy tắc, luật. Việc cho ra đời một đạo luật về nhà giáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội không chỉ với hiện tại mà với cả tương lai.
Các trường đại học sư phạm là nơi đào tạo nhà giáo và bản thân các thầy cô của trường sư phạm cũng là nhà giáo. Vì vậy, sự hiện diện, tiếng nói của các nhà giáo trong các trường sư phạm vừa với tư cách là đối tượng sau này chịu sự điều chỉnh của luật vừa với tư cách là các nhà khoa học có thể dự báo, cách nhìn vượt trước, có ý nghĩa lâu dài với đội ngũ nhà giáo nói chung.
Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo
Theo ban tổ chức, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất một số chính sách nổi bật, bao gồm: Định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trường dự bị đại học và các cơ sở giáo dục khác; chứng chỉ hành nghề tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp; quy định về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh và bảo vệ nhà giáo nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nhà giáo, giúp nhà giáo phát triển chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhà giáo tham luận tại tọa đàm. |
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Minh Đức cho biết, dự thảo luật được xây dựng với quan điểm tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo. Đặc biệt là quan điểm: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục"… góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục; trong đó có nhà giáo.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, giảng viên của các trường sư phạm đã phân tích, chia sẻ những nghiên cứu, kinh nghiệm của quốc tế cũng như của Việt Nam liên quan các vấn đề luật hoá các quy định liên quan cơ chế chính sách, xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo…