Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo: Dịp để đội ngũ nhà giáo cả nước trao đổi tâm tư, nguyện vọng

NDO - Sự kiện "Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục" được tổ chức theo hình thức trực tuyến với nhiều điểm cầu để các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục cả nước cả nước có thể tham dự và nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác tới lãnh đạo ngành và các cơ quan quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: THÀNH ĐẠT)
(Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ngày 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục".

Sự kiện được tổ chức trực tuyến với điểm cầu chính đặt tại trụ sở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các Sở Giáo dục và Đào tạo và hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học trong cả nước.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì sự kiện, cùng tham gia có lãnh đạo của: Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị trực thuộc; Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; các sở, ngành, Công đoàn giáo dục, các phòng Giáo dục và Đào tạo…

Theo chương trình, trong ngày 15/8, buổi sáng, Bộ trưởng gặp gỡ với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; buổi chiều, Bộ trưởng gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học.

Sự kiện là dịp để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác. Đây cũng là dịp để Bộ trưởng lắng nghe ý kiến phục vụ công tác quản lý, điều hành, hoàn thiện chính sách; động viên, chia sẻ với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên công tác trong ngành.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để chuẩn bị cho sự kiện, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến gửi tới, trong đó, có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.

Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); Chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); Điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).

Đối với giáo dục đại học, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; Cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới …

Các ý kiến trên cùng thông tin thu thập từ sự kiện là cơ sở quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, lãnh đạo phù hợp với thực tiễn; qua đó phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, bảo đảm điều kiện về đội ngũ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.