Ngày 15-5-1946, 40 cán bộ công vận từ các tỉnh, thành phố ở khu vực Bắc Bộ về đình làng Khuyến Lương, tổng Thanh Trì, tỉnh Hà Ðông (nay là phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tham dự khóa huấn luyện 75 ngày quán triệt về sự lãnh đạo của Ðảng với phong trào công nhân và hoạt động công đoàn quốc tế, về lịch sử phong trào công nhân, công đoàn thế giới, về tôn chỉ, mục đích và những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng tổ chức công đoàn Việt Nam. Những học viên này đã trở thành những hạt nhân, cán bộ lãnh đạo phong trào công nhân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 15-5-1946 trở thành Ngày thành lập Trường đại học Công đoàn.
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, trong điều kiện thiếu thốn, gian khổ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng đào tạo cơ bản và bồi dưỡng nghiệp vụ kéo dài từ ba đến sáu tháng, đã bổ sung hơn 750 cán bộ cho công đoàn các cấp, góp phần không nhỏ cho thắng lợi chung của toàn dân tộc. Hòa bình lập lại, trước yêu cầu của tình hình cách mạng đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản, đáp ứng được yêu cầu xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất đất nước, công tác đào tạo của nhà trường phát triển theo hướng chính quy, dài hạn và chuẩn hóa bằng cấp. Nội dung các khóa học phát triển và đạt chuẩn lý luận chính trị theo chương trình trung cấp của Ðảng (1975), trình độ đại học (1979), trình độ sau đại học (2007). Chương trình đào tạo phát triển theo hướng đa dạng hóa, đáp ứng yêu cầu chuyên môn sâu trong hoạt động công đoàn. Hình thức đào tạo chính quy đã góp phần quan trọng trong việc tìm ra các hạt giống đỏ, sau này là những cán bộ lãnh đạo công đoàn, vốn xuất thân từ công nhân, lao động.
Bên cạnh hệ đào tạo dài hạn, công tác đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn được Ban giám hiệu nhà trường bám sát thực tiễn phong trào và nhu cầu về năng lực cán bộ. Nhà trường đã mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ công đoàn, bổ túc văn hóa tập trung, dự bị đại học, tập huấn lý luận Mác Lê-nin, bồi dưỡng cán bộ văn hóa quần chúng... giúp hàng nghìn cán bộ công đoàn các cấp được nâng cao trình độ, năng lực công tác đóng góp cho thắng lợi của phong trào công nhân lao động và sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Từ sau Ðại hội Công đoàn toàn quốc lần IX, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có những bước phát triển mới. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn được phát triển theo hai hướng: đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Hằng năm, trường cấp khoảng hơn 2.000 chứng chỉ lý luận và nghiệp vụ công tác công đoàn, chứng chỉ an toàn và vệ sinh lao động, chứng chỉ văn hóa quần chúng, kiến thức luật cho các cán bộ công đoàn. Xu hướng phối hợp, liên kết đào tạo gắn lý luận với thực tiễn bước đầu có những thành công.
PGS,TS Ðinh Thị Mai, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: 'Hiện nay, trường đào tạo đa ngành, đa cấp với tám ngành đào tạo, gồm: Quản trị kinh doanh; Bảo hộ lao động; Xã hội học; Công tác xã hội; Kế toán; Tài chính-Ngân hàng; Quản trị nhân lực; Luật, với lưu lượng hơn 10.000 sinh viên mỗi năm. Hiện nhà trường đang tích cực chuẩn bị cho đào tạo tiến sĩ'.
Hàng năm, số lượng tuyển sinh tăng cao đi kèm với chất lượng đội ngũ giáo viên. Toàn trường có 254 giảng viên, trong đó có 157 giảng viên cơ hữu, sáu phó giáo sư, một tiến sĩ khoa học, một chuyên gia cao cấp, 17 tiến sĩ, 91 thạc sĩ, 10 nghiên cứu sinh, 32 cao học. Trường đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, coi đây là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm với gần 60% số đề tài gắn trực tiếp đến công tác giảng dạy và hơn 40% phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy. Những năm qua, có hơn 244 đề tài được sinh viên thực hiện, 90 đề tài đang nghiên cứu, trong đó có hai đề tài đạt giải ba, 14 đề tài đạt giải khuyến khích cấp Bộ. Ðặc biệt, có hai đề tài đạt giải ba cuộc thi sinh viên sáng tạo (Vifotex). Nhà trường đã phát động và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', gắn với cuộc vận động của ngành giáo dục 'Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục'. Từ nhiều năm nay, trường luôn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu kinh nghiệm và nhiều cơ hội trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về phong trào công nhân và hoạt động của công đoàn các nước. Ðồng thời tiếp nhận lưu học sinh Lào sang học đại học và cử giảng viên sang Lào giúp bạn tập huấn cán bộ công đoàn chủ chốt.
65 năm xây dựng và trưởng thành, Trường đại học Công đoàn đã vinh dự được Ðảng, Nhà nước, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen các loại...