Sai lầm trong điều trị viêm da do độc tố kiến ba khoang

NDO -

Nhầm lẫn trong chẩn đoán sang bệnh zona, chữa bằng dân gian, chà xát mạnh tổn thương có thể khiến bạn gặp nhiều biến chứng nặng nề nếu dính độc tố của kiến ba khoang. 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Độc tố trong kiến khoang mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ

Nửa tháng qua, mỗi ngày Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh tiếp nhận khám và điều trị từ 80-100 trường hợp bị viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang.

Trong khi đó, tỷ lệ người dân đến khám vì kiến ba khoang tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng tăng nhẹ thời gian gần đây. 

BS Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thực chất, kiến khoang không đốt người, nếu người dân vô tình giết kiến trên cơ thể thì chất độc có trong kiến sẽ khiến da bị tổn thương.

Người dân bị viêm da tiếp xúc do kiến khoang chủ yếu do vô tình tiếp xúc với chất tiết pederin có trong kiến khoang. 

Các tổn thương do kiến khoang gây ra ban đầu rất nhỏ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể nặng hơn rất nhiều. “Thông thường nếu bị dính ít chất độc của kiến khoang thì tổn thương khu trú ít hơn và thường ổn định trong vòng 5-7 ngày”, BS Giang cho biết. 

Sai lầm trong điều trị viêm da do độc tố kiến ba khoang

Trong cơ thể kiến khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết xử lý đúng cách thì ngay cả khi đã bị dính độc tố kiến khoang cũng không quá nguy hiểm. Chính những sai lầm hoặc xử lý chậm đã khiến cho độc tố lan rộng và gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

BS Quách Thị Hà Giang cho biết, do không biết được tổn thương nào do kiến ba khoang, nhiều người dân tự ý điều trị tại nhà. Người ra hiệu mua tuýp thuốc chữa côn trùng, người đắp lá, thận chí dùng gạo, đậu xanh giã nát lấy nước bôi… 

“Những biện pháp này có thể làm cho vết thương bội nhiễm, nhiễm trùng, loét, tăng sắc tố sau viêm thời gian dài. Tổn thương lan rộng sang vị trí khác ngoài vị trí tiếp xúc ban đầu, bệnh nhân có thể tổn thương vùng da khác, ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân”, BS Giang cho hay. 

Vậy làm thế nào phân biệt độc tố trong kiến ba khoang với bệnh lý khác như zoa thần kinh, BS Giang cho biết, khi dính phải độc tố trong kiến khoang, da sẽ phồng rộp thành vệt dài, đám nhỏ, mụn nhỏ li ti, có bọng nước, khi vỡ có thể gây loét, mưng mủ, cảm giác đau rát như bị bỏng, bệnh nhân có thể bị sốt, nổi hạch ở vùng lân cận… 

Cách xử trí đúng khi phát hiện ra kiến khoang là người dân không nên dùng tay bắt trực tiếp, tốt nhất nên dùng giấy hoặc đeo găng tay lấy kiến đi, tuyệt đối không chà xát để tránh làm chất tiết của kiến lan rộng. Không tự ý điều trị, không đắp bài thuốc dân gian khiến thời gian hồi phục lâu hơn.

Khi xác định dính độc tố kiến ba khoang, bác sĩ tư vấn có ba cách để xử trí vết thương: rửa sạch bằng nước; bằng nước muối sinh lý hoặc bằng xà phòng để giảm bớt độc tố tiếp xúc với da. Nếu tổn thương nhiều nặng nên đến cơ sở chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán. 

Để phân biệt tổn thương do kiến khoang gây ra với bệnh zona, BS. Giang chỉ rõ, với zona thì mụn nước, bọng nước mọc thành chùm, khu trú một bên cơ thể, theo vị trí phân bổ dây thần kinh của cơ thể, hay gặp ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, thể trạng yếu.

Còn viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, thường bệnh nhân thấy nóng rát trước sau đó thì xuất hiện rát đỏ, mụn nước tổn thương đi theo thành từng vệt. Khi bệnh nhân gãi chà xát thì lan sang các vị trí khác, chủ yếu là cảm giác nóng rát hơn là cảm giác đau nhức của zona.