Hoang mang vì kiến ba khoang

NDO -

NDĐT- Thời gian qua, người dân ở các thành phố lớn đang lo lắng trước hiện tượng kiến ba khoang “cắn” người. Tuy nhiên, các bác sĩ, chuyên gia y tế lại cho rằng, không nên hoang mang và việc chữa trị các vết thương này rất đơn giản.

Kiến ba khoang xuất hiện nhiều gây hoang mang cho người dân.
Kiến ba khoang xuất hiện nhiều gây hoang mang cho người dân.

Chị Nguyễn Thanh Hà (Mỹ Đình – Hà Nội) tá hoả vì bỗng dưng thấy mặt con xuất hiện mụn nước, sau đó đỏ ửng và ngứa rát hết cả mặt. Trước đó, con gái chị Hà thấy kiến ba khoang xuất hiện trong phòng, nghĩ là loại kiến bình thường nên vô tình dùng tay miết. Chị đã đưa con đi khám và được bác sĩ điều trị tích cực nên đã khỏi.

Bạn Nguyễn Thanh Hưng (sinh viên trường Đại học Thương Mại – Hà Nội) cho biết, chính bản thân bạn cũng bị kiến ba khoang đốt, ban đầu chỉ có một vết rất nhỏ, nhưng sau đó mấy tiếng thì gây sưng và loét ở cổ tay. Hưng đã đi mua thuốc và ba ngày sau khi bôi thì vết thương đã lành. Nhưng hiện nay có rất nhiều kiến ba khoang, nên Hưng rất lo ngại lại bị kiến ba khoang cắn lần nữa.

Vừa mới chuyển về khu chung cư CT5, Xa La, Hà Đông, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hiền khi quét nhà đã thấy “bóng dáng” của kiến ba khoang. “Bạn bè tôi ở các khu khác đã bị kiến ba khoang cắn rồi, người lớn còn cảm thấy khó chịu, huống hồ trẻ con. Nhà mình con mới được sáu tháng nên lo lắm, không biết có cách gì diệt trừ được không”, chị Hiền lo lắng.

Gần đây, Viện Da liễu Trung ương cũng đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc do côn trùng, trong đó có nguyên nhân từ kiến ba khoang.

Không nên hoang mang

TS Nguyễn Nhật Cảm – Phó Giám đốc Trung Tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, “kiến ba khoang” thực chất là một loại côn trùng, sống ở ngoài đồng ruộng, thích ánh đèn. Loại côn trùng này không cắn người mà chỉ cắn côn trùng gây hại.

Tuy nhiên, kiến ba khoang theo ánh đèn bay vào nhà, bò trên người, trên mặt sàn giường chiếu. Không phải kiến ba khoang “cắn” người mà khi người dân miết nó, đạp nó, giải phóng chất axit có thể làm bỏng da, nếu giữ gìn không tốt sẽ bị nhiễm trùng.

Trước tình trạng kiến ba khoang xuất hiện ngày càng nhiều, ông Cảm trấn an, người dân không nên hoang mang. Tháng 9,10,11 đang là thời điểm sinh sản của kiến ba khoang. Đặc biệt, ở các khu tập thể, chung cư gần các cánh đồng.

Vì vậy, người dân nên che chắn cửa sổ, hạn chế bật nhiều đèn sẽ thu hút kiến ba khoang, thường xuyên quét dọn nhà cửa. Nếu như kiến ba khoang đậu trên người cố gắng không đập hoặc dùng tay để miết, chất dịch tiết ra sẽ gây kích ứng da. Nếu như vô tình bị dính chất dịch nên rửa tay ngay bằng nước lạnh và xà phòng.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tập huấn y tế cho 29 trung tâm y tế dự phòng ở các quận, huyện về cách phòng chống, chữa trị và đề nghị tích cực truyền thông cho người dân biết cách phòng chống. Hiện nay, Trung tâm Y tế cũng đang theo dõi sát sao, trực tiếp đến các vùng có kiến ba khoang xuất hiện để giám sát.

Ông Cảm hy vọng, Hà Nội đang có những cơn rét đầu đông, kiến ba khoang sẽ giảm dần.

Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Ngọc Kính cảnh báo, vết bỏng do chất kiến ba khoang tiết ra gây nên có thể lẫn với nhiều bệnh khác như bệnh zona thần kinh. Nhiều người tự mua thuốc chữa khiến bệnh không những không khỏi mà còn bị nặng hơn. Vì vậy, khi xuất hiện những vết ngứa, vết đỏ phồng rộp không nên tự mua thuốc bôi mà cần tới các bác sĩ để khám và chỉ định cho thuốc.

Ông Kính cho biết thêm, những vết bỏng này chỉ ảnh hưởng tạm thời, gây khó chịu và mất thời gian điều trị. Việc chữa trị cũng rất đơn giản, chỉ cần sử dụng thuốc dị ứng. Loại kiến này cũng có thể diệt được bằng các thuốc diệt côn trùng hiện nay.