Gỡ vướng do quy hoạch bô-xít chồng lấn các dự án ở Đắk Nông

Đắk Nông có 1.062 công trình, dự án với tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng hiện có đất chồng lấn với quy hoạch bô-xít và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Trong đó, số công trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nay đến năm 2025 khoảng 5.000 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án nâng cấp đường giao thông liên xã Nâm N’Jang-Đắk N’Drung, huyện Đắk Song chưa thể triển khai vì vướng quy hoạch bô-xít.
Dự án nâng cấp đường giao thông liên xã Nâm N’Jang-Đắk N’Drung, huyện Đắk Song chưa thể triển khai vì vướng quy hoạch bô-xít.

Việc chồng lấn quy hoạch bô-xít đang khiến hàng loạt dự án bị đình trệ, ngưng thi công hoặc không được triển khai gây ra nhiều cản trở, kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Tắc do quy hoạch bô-xít

Huyện Đắk Song có diện tích tự nhiên hơn 80.600ha. Trong đó, quy hoạch bô-xít chiếm hơn 50% diện tích, với khoảng 42.000ha, vì thế, nhiều công trình, dự án tại huyện này đang vướng quy hoạch bô-xít không thể triển khai.

Cụ thể, Dự án nâng cấp đường giao thông liên xã Nâm N’Jang-Đắk N’Drung được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cuối năm 2021 với chiều dài hơn 6,1km, tổng mức đầu tư 19,8 tỷ đồng.

Sau khi rà soát, dự án này được xác định nằm trong khu vực quy hoạch thăm dò khoáng sản bô-xít. Để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, năm 2022 huyện Đắk Song xin tiếp tục triển khai dự án, tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông không đồng ý, đồng thời kiến nghị tỉnh cho tạm dừng dự án để xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong năm 2022, Đắk Song có 4 dự án nâng cấp đường giao thông trên địa bàn bị tạm dừng vì vướng quy hoạch bô-xít, địa phương phải trả lại khoảng 35 tỷ đồng để tỉnh điều chuyển sang các dự án khác. Hiện, toàn huyện Đắk Song còn có 6 dự án (chủ yếu là giao thông), với tổng mức đầu tư 295,8 tỷ đồng đang vướng quy hoạch bô-xít đều phải dừng triển khai.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, Võ Quốc Tuấn cho biết, ngoài các dự án giao thông vẫn còn hàng chục dự án liên quan đến giáo dục, tín ngưỡng tôn giáo, công trình phúc lợi xã hội khác… đang vướng quy hoạch bô-xít. Địa phương rất cần sự quan tâm của các cấp vào cuộc, sớm tháo gỡ theo hướng vừa bảo đảm quy hoạch bô-xít, vừa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống người dân và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Huyện Đắk Glong hiện đang triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn 7 xã. Tuy nhiên, theo quyết định phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô-xít thì có 4 xã phần lớn diện tích nằm trong vùng ảnh hưởng.

Cụ thể, các xã Quảng Sơn, Đắk Ha, Quảng Khê và một phần diện tích các xã Đắk R’măng, Đắk Som nằm trong ranh giới quy hoạch, với danh mục đầu tư khoảng 36 công trình gồm: đường giao thông, công trình dân dụng, công trình phúc lợi xã hội, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay, một số công trình đã thực hiện đấu thầu xong nhưng đang vướng ranh quặng bô-xít cho nên chủ đầu tư chưa thể cho ứng vốn và triển khai thi công.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong, Trần Nam Thuần cho biết, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, huyện đã kiến nghị tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các ngành xem xét, đánh giá khả năng thực hiện khai thác các mỏ bô-xít trong tương lai để tháo gỡ những vướng mắc liên quan.

Cho phép tiếp tục thực hiện đầu tư các công trình cấp thiết đối với đời sống, sản xuất của nhân dân như: nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông xuống cấp, hư hỏng; các tuyến đường dân sinh vào các khu sản xuất; công trình trường học, nhà văn hóa,...

Sớm gỡ vướng cho Dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, xem xét cho địa phương triển khai các thủ tục đầu tư, quyết toán riêng lẻ theo từng công trình thành phần để thực hiện kịp tiến độ.

Tuyến đường Đạo Nghĩa-Quảng Khê đi qua các huyện Đắk R’lấp, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa có chiều dài gần 50km, quy mô đầu tư 1.150 tỷ đồng. Việc đầu tư tuyến đường đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội và tạo thuận lợi cho việc khai thác vận chuyển bô-xít sau này.

Tuy nhiên, việc thi công tuyến đường lại đang bế tắc vì vướng quy hoạch khai thác bô-xít. Hiện nay, chủ đầu tư đã tạm dừng hoàn toàn việc đào đắp tác động đến nền đất, thời gian thi công trở lại và hoàn thành tuyến đường cũng phụ thuộc hoàn toàn vào việc gỡ vướng từ quy hoạch bô-xít.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông Võ Văn Minh cho biết, quy hoạch bô-xít chiếm 1/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Hiện tất cả các dự án, công trình trong vùng quy hoạch đang phải dừng lại để xin ý kiến của Trung ương. Cuối năm 2022, tỉnh Đắk Nông đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong điều kiện chưa có nhà đầu tư khai thác bô-xít, Đắk Nông đề xuất Trung ương ưu tiên chấp thuận cho một số dự án được triển khai.

Nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quy hoạch bô-xít thuộc quy hoạch khoáng sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, đề xuất của tỉnh Đắk Nông thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ…

Kiến nghị Chính phủ tháo gỡ

Để gỡ vướng do quy hoạch bô-xít chồng lấn các dự án trên địa bàn, tỉnh Đắk Nông đã có văn bản nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan; đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung tháo gỡ cho tỉnh; cho địa phương cơ chế để triển khai thực hiện đối với công trình, dự án trọng điểm, cấp bách tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Cụ thể, quy hoạch mỏ bô-xít tỉnh Đắk Nông phân bố trên địa bàn 5 huyện, thành phố và chiếm diện tích gần 200.000ha, tương đương với gần 1/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Việc chồng lấn quy hoạch bô-xít đang khiến hàng loạt dự án bị đình trệ, ngưng thi công, trong đó, có nhiều dự án lớn, quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Điển hình như 6 dự án đầu tư công trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn hơn 1.500 tỷ đồng, các dự án thuộc 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia và nhiều dự án kêu gọi, thu hút đầu tư ngoài ngân sách…

Với đặc thù địa hình là đồi “bát úp” nhiều đồi núi dốc cho nên việc xây dựng các tuyến đường giao thông, các công trình trên địa bàn tỉnh đều có khối lượng đào đắp lớn. Nhất là đối với dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) dự kiến được triển khai thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh Đắk Nông chưa thể cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp do phần lớn các mỏ đất đều nằm trong các khu vực đã được thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô-xít.

Trước các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, tỉnh Đắk Nông đã báo cáo, kiến nghị các bộ, ngành trung ương xem xét giải quyết. Tuy nhiên, tới nay những khó khăn, vướng mắc nêu trên chưa được giải quyết tới kết quả cuối cùng, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thực tế, sau hơn 15 năm kể từ thời điểm quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô-xít tại tỉnh Đắk Nông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg, ngày 1/1/2007), chỉ có 1/9 mỏ bô-xít được thăm dò, phê duyệt trữ lượng cấp phép khai thác.

Trung bình mỗi năm chỉ khai thác khoảng 100ha để cung cấp quặng bô-xít cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ, với công suất 650.000 tấn alumin/năm. Theo tính toán sơ bộ, nếu chỉ cung cấp quặng cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ hoạt động thì phải mất gần 400 năm nữa mới khai thác, chế biến hết trữ lượng bô-xít của tỉnh Đắk Nông.

Trong văn bản tham gia ý kiến dự thảo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, Hồ Văn Mười kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh được triển khai các dự án, công trình nằm trong vùng quy hoạch bô-xít và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đặc biệt là các công trình dự án nằm trong danh mục đầu tư công trong hạn; chương trình, dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đang triển khai đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương cung cấp cho tỉnh bản đồ phân bố khu vực chứa thân quặng bô-xít và các bản đồ liên quan để tỉnh rà soát các dự án phát triển kinh tế-xã hội chồng lấn với khu vực có thân quặng.

Đồng thời, cho phép tỉnh cấp phép và đăng ký xác nhận khu vực, khối lượng đất san lấp có lẫn quặng bô-xít để phục vụ thi công xây dựng các dự án hạ tầng, đường giao thông quan trọng, đặc biệt là dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước)…