Chủ tịch UBND thành phố Ðiện Biên Phủ Lê Tiến Dũng cho biết: Khu vực trung tâm thành phố hiện có hơn 30 dự án thuộc ba nhóm dự án lớn, gồm: Dự án xây dựng, mở rộng Cảng hàng không Ðiện Biên; nhóm các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng du lịch sử dụng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước và nhóm các dự án đầu tư xây dựng, di chuyển cơ quan vào khu trung tâm chính trị hành chính tỉnh Ðiện Biên. Ðây đều là nhóm dự án có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt với sự phát triển kinh tế-xã hội, giao thông, du lịch của tỉnh, thành phố Ðiện Biên Phủ và các huyện lân cận.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Thời điểm hiện tại hầu hết các dự án trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ đều gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng. Vướng mắc nhất là khâu kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, kéo theo việc lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ bị chậm trễ. Dẫn chứng dự án xây dựng hoàn trả hạ tầng kỹ thuật đoạn đường tránh sân bay nối từ đường đi xã Thanh Hưng và đường đi xã Thanh Luông, ông Lê Tiến Dũng cho biết: Thời gian còn lại thực hiện dự án rất ngắn (sáu tháng), do đó chủ đầu tư phải đồng thời triển khai giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá đất cụ thể để lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Với bốn dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch chi tiết tại dự án khu dân cư đô thị Mường Thanh A; dự án khu đô thị mới Nam Thanh Trường; dự án khu dân cư đô thị mới và dịch vụ thương mại Nam Thanh B; đường Thanh Minh-Ðộc Lập và khu dân cư đường vành đai phía bắc thuộc nhóm các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng du lịch sử dụng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước cũng đều gặp vướng mắc trong xác minh nguồn gốc đất, cũng như chưa được phê duyệt giá đất cụ thể. Riêng dự án khu đô thị mới Nam Thanh Trường chưa được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư cho nên nhiều hộ dân không cho đo đạc, kiểm đếm…
Một vấn đề khác là nguồn vốn thực hiện các dự án nêu trên hiện đang rất khó khăn. Riêng UBND thành phố Ðiện Biên Phủ hiện thiếu hơn 180 tỷ đồng thực hiện các tiểu dự án thuộc dự án xây dựng hoàn trả dự án mở rộng Cảng hàng không Ðiện Biên; dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch chi tiết để thực hiện khu dân cư đô thị Mường Thanh A được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 57,4 tỷ đồng và dự án xây dựng khu, điểm tái định cư (10,5ha) thuộc nhóm các dự án đầu tư xây dựng, di chuyển cơ quan tỉnh vào khu trung tâm chính trị hành chính tỉnh Ðiện Biên có tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng, nhưng hiện tại cả hai dự án đều chung thực trạng chưa được bố trí vốn.
Ngoài khó khăn do khách quan, lịch sử quản lý đất đai của địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Ðiện Biên Phủ Lê Tiến Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận, thành phố còn gặp khó khăn chủ quan từ ngành khác. Trong các ngày: 13/5, 3/6, 17/6, chủ đầu tư đã có hồ sơ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án: đường tránh sân bay nối xã Thanh Hưng với đường đi xã Thanh Luông; đường nội đồng kênh tiêu thoát nước từ sân bay đi Thanh Luông; dự án khu đô thị Mường Thanh A và dự án xây dựng khu, điểm tái định cư 10,5ha, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm. Nếu kéo dài thêm sẽ rất khó để chủ đầu tư hoàn thành đúng tiến độ các dự án.
Ðánh giá về nguyên nhân chậm tiến độ các dự án trọng điểm tại thành phố, Bí thư Thành ủy Ðiện Biên Phủ Hà Quang Trung cho biết thêm, còn có nguyên nhân cơ bản ngay trong nội bộ các cấp chính quyền. Ðó chính là việc thông tin thực trạng, tiến độ thực hiện các dự án giữa các phòng, ban, bộ phận của thành phố không kịp thời, không cụ thể và nhiều khi không thống nhất. Ðiều đó khiến một bộ phận cán bộ, người dân hồ nghi, đồng thời khiến cán bộ được giao nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền, vận động khó thực hiện nhiệm vụ.
Quyết liệt tìm giải pháp tháo gỡ
Tại buổi làm việc với UBND thành phố Ðiện Biên Phủ chiều 1/7, Chủ tịch UBND tỉnh Ðiện Biên Lê Thành Ðô nhấn mạnh: Không riêng chủ đầu tư mà các sở, ngành phải quyết liệt, trách nhiệm hơn trong triển khai phần việc thuộc thẩm quyền, chức năng của đơn vị mình. Thay vì đợi chủ đầu tư gửi, trình văn bản đề nghị tham gia, tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo các ngành cần chủ động nắm bắt vướng mắc, chủ động tham gia ý kiến để chủ đầu tư thực hiện các bước nhanh, hiệu quả. Có như vậy, các dự án mới về đích theo đúng kế hoạch tỉnh đặt ra.
Ðối với khó khăn về nhân lực thực hiện các dự án mà thành phố Ðiện Biên Phủ kiến nghị, Chủ tịch Lê Thành Ðô giao các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng và Trung tâm Quản lý quỹ đất thị xã Mường Lay chủ động rà soát, lựa chọn cán bộ, công chức để hỗ trợ thành phố Ðiện Biên Phủ tiến hành các phần việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Giao Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định biệt phái cán bộ, công chức từ các sở, ngành về hỗ trợ thành phố. Khi cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ cần khen thưởng, biểu dương, nhưng nếu không hoàn thành nhiệm vụ, cũng có hình thức xem xét trách nhiệm cụ thể. UBND thành phố Ðiện Biên Phủ sẽ trực tiếp quản lý, phân công và đánh giá kết quả làm việc của cán bộ, công chức diện biệt phái.
Ðể người dân hiểu mục đích, ý nghĩa các dự án và trách nhiệm công dân với sự phát triển của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Ðiện Biên Lê Thành Ðô đề nghị, thành phố Ðiện Biên Phủ khẩn trương thành lập lại các tổ tuyên truyền, vận động, thành viên là cán bộ, công chức các phòng, ban cùng cán bộ các xã, phường, tổ dân cư nơi có các dự án đang triển khai. Ngoài kinh nghiệm tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư thuộc dự án mở rộng Cảng hàng không Ðiện Biên đã thực hiện rất tốt trước đây, thành viên các tổ tuyên truyền rất cần được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tiến độ, vướng mắc, chế độ cụ thể của từng dự án. Do vậy các chủ đầu tư phải có trách nhiệm cung cấp kịp thời thông tin khi thành viên tổ tuyên truyền yêu cầu. Ðây là việc làm cần thiết, khách quan, minh bạch, giúp các dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ ■