Góc nhìn

Gỡ rào cản từ thủ tục phòng cháy, chữa cháy

Công điện số 220/CÐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy thật sự là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: TTXVN
Ảnh minh họa: TTXVN

Sau một số vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản diễn ra ở Hà Nội và Bình Dương, quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh được siết lại một cách đột ngột và cứng nhắc, khiến nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu, buộc phải tạm dừng hoạt động.

Có những tập đoàn đa quốc gia cho biết họ đầu tư ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng dự án ở Việt Nam là địa điểm duy nhất phải chờ hai năm chưa được cấp chứng nhận nghiệm thu liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy để đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp của Hàn Quốc thì phản ánh bị làm khó không chỉ đối với hạng mục công trình mở rộng đầu tư và xây mới mà còn được yêu cầu phải thay đổi tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy đối với cả nhà xưởng đã đi vào hoạt động ổn định từ nhiều năm.

Vướng mắc lớn nhất liên quan đến công tác kiểm định sơn chống cháy.

Vướng mắc lớn nhất liên quan đến công tác kiểm định sơn chống cháy. Cụ thể, theo tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy do Bộ Công an quy định, kết cấu chịu lực của công trình được bọc bảo vệ bằng chất/vật liệu chống cháy áp dụng theo tiêu chuẩn của Anh. Theo đó, các cột thép nhà xưởng phải bọc vật liệu chống cháy hoặc phủ sơn loại chống cháy mà thị trường Việt Nam chưa có và doanh nghiệp không biết làm cách nào để tuân thủ.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại chi phí tuân thủ phòng cháy, chữa cháy sẽ làm giảm sự cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. Do đó, tại Công điện số 220/CÐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ nhắc đến yêu cầu bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy nhưng đồng thời phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Các bộ, ngành chức năng được yêu cầu rà soát chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để kịp thời sửa đổi, bổ sung và đẩy mạnh cải cách, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng làm đầu mối khẩn trương rà soát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng nhà và công trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp để bổ sung, sửa đổi ngay những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Những nhiệm vụ này phải được thực hiện khẩn trương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4.

Trong bộn bề khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, việc cắt giảm thủ tục hành chính về phòng cháy, chữa cháy nói riêng và cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung được thực hiện theo tinh thần khẩn trương của Thủ tướng Chính phủ có tác dụng tiết giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quan trọng hơn, những giải pháp này có ý nghĩa rất to lớn trong việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp vào sự đồng hành của Chính phủ.