Trong số đó, 425 cơ sở có khả năng khắc phục nhưng chưa thực hiện, cho nên đã bị tạm đình chỉ hoạt động. 326 cơ sở không đạt yêu cầu về công tác phòng cháy, chữa cháy đã được Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (Công an TP Hà Nội) ra quyết định đình chỉ hoạt động.
Mới đây, hàng trăm chủ đầu tư cơ sở karaoke tại Hà Nội cùng ký đơn kêu cứu khi đứng trước bờ vực phá sản vì phải tạm dừng hoạt động do liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy. Nhiều quán bị yêu cầu đóng cửa, nhưng không có tiêu chí để sửa chữa cho bảo đảm điều kiện phòng cháy, chữa cháy. Về việc này, Ðại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ thông tin, thành phố có 1.548 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó hơn 400 cơ sở nhỏ lẻ tự phát, không có đăng ký kinh doanh, phải tự giải thể. Hơn 600 cơ sở chưa được cấp phép đủ các giấy tờ liên quan về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, văn hóa…, phải củng cố, hoàn thiện.
Còn khoảng 400 cơ sở được cấp phép đầy đủ giấy tờ mà vẫn bị tạm đình chỉ hoạt động vì có thể cơ sở đã được thẩm duyệt, nhưng lúc nghiệm thu hiện trạng kiểm tra phát hiện một số lỗi như vật liệu trên hành lang thoát nạn là vật liệu dễ cháy, diện tích phòng hát bị co hẹp…, cơ sở buộc phải khắc phục.
Ngày 2/3, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Lê Hồng Sơn đã giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì, phối hợp với chính quyền các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá các điều kiện kinh doanh karaoke đối với các cơ sở đã được cấp Giấy đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn thành phố, tổng hợp báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/4/2023. Giao Công an thành phố cùng Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công an về giải pháp, cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động kinh doanh karaoke, các cơ sở đang trong diện chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, thông báo yêu cầu dừng hoạt động ■