Gỡ “rào cản”, thúc đẩy tăng trưởng hàng hóa đường sắt liên vận

Năm 2021 vừa qua, vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt tăng trưởng tốt, nhất là hàng xuất đi châu Âu bằng công-ten-nơ. Đây được coi là nỗ lực vượt bậc của ngành đường sắt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi lượng hàng qua biên giới sang Trung Quốc và đi châu Âu gia tăng nhanh.

Đoàn tàu chở công-ten-nơ liên vận quốc tế đi châu Âu do Công ty Ratraco khai thác.
Đoàn tàu chở công-ten-nơ liên vận quốc tế đi châu Âu do Công ty Ratraco khai thác.

Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đáp ứng nhu cầu cao hơn nữa về vận tải hàng hóa, ngành đường sắt cần gỡ bỏ những “rào cản” về hạ tầng nhà ga, kho bãi đang xuống cấp, chưa đủ tiêu chuẩn,…

Tăng trưởng hai con số

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, năm 2021, mặc dù vận tải hành khách và hàng hóa nội địa bằng đường sắt chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nhưng hàng hóa liên vận quốc tế, trong đó có hàng đi châu Âu lại đạt mức tăng trưởng hai con số. Ngày 20/7/2021, VNR phối hợp tổ chức chạy chuyến tàu chuyên công-ten-nơ đầu tiên xuất phát từ ga Yên Viên (Hà Nội) kết nối với thành phố Liege (Bỉ). 

Từ đó đến nay, tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), các đoàn tàu liên vận quốc tế vẫn qua lại thông suốt 10 chuyến/ngày, trong khi hàng nghìn xe công-ten-nơ xuất khẩu hàng bị ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ tại Lạng Sơn do phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch. Trong cả năm 2021, hàng liên vận quốc tế xuất qua cả hai ga cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng đạt hơn 500 nghìn tấn, tăng hơn 30% so cùng kỳ 2020, doanh thu tăng khoảng 2%; hàng nhập liên vận quốc tế dự kiến đạt gần 640 nghìn tấn, tăng khoảng 40% so cùng kỳ 2020, doanh thu tăng khoảng 16%. 

Tổng công ty đã tập trung ưu tiên tăng tỷ trọng vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế để bù đắp cho vận tải hành khách bị sụt giảm bằng cách tổ chức thêm các đoàn tàu hàng bù vào phần năng lực chạy tàu dư thừa. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng tập trung vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyên tuyến, tăng tỷ trọng vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ và vận chuyển hàng liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ và các nước Trung Á.

Mặc dù thời gian qua dịch diễn biến phức tạp, quy định kiểm dịch phía Trung Quốc rất ngặt nghèo, khiến hàng hóa vận tải bằng phương tiện đường bộ bị ùn tắc kéo dài tại cửa khẩu nhưng hàng hóa liên vận qua cửa khẩu đường sắt không ảnh hưởng do đây là hàng chính ngạch, Việt Nam và Trung Quốc đã xây dựng quy trình chạy tàu trong điều kiện phòng dịch chặt chẽ. 

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) Trần Thế Hùng, doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận chuyển hàng đi châu Âu bằng đường sắt, công ty đã kết hợp với các hãng tàu biển lớn để tổ chức khai thác nguồn hàng xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2021, sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế của Ratraco liên tục tăng, đạt gần 950 nghìn tấn, gấp ba lần so năm 2020. 

Hàng xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường sắt qua cửa khẩu ga Đồng Đăng ngoài một số mặt hàng chính như quặng, điện tử, dệt may, nội thất xuất đi Trung Quốc, châu Âu, còn có thêm các mặt hàng khác như tinh bột sắn, than ép từ đốt xơ dừa,... và các mặt hàng quá cảnh từ Lào, Thái Lan. “Vận tải hàng bằng đường sắt liên vận quốc tế phát triển sẽ thúc đẩy hàng hóa từ phía nam, kể cả hàng quá cảnh các nước ASEAN đi bằng đường sắt nội địa, tiếp chuyển tàu liên vận quốc tế”, ông Trần Thế Hùng nhận định.

Đầu tư, nâng cấp hạ tầng kho bãi

Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh khẳng định: Từ năm 2019, ngành đường sắt đã chuyển hướng ưu tiên cho vận tải hàng hóa. Cuối năm 2021, VNR xác định vận tải hàng hóa là phương thức chủ đạo của vận tải đường sắt, chuyển trọng tâm từ vận tải hành khách sang vận chuyển hàng hóa để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng hành khách; trong đó, đẩy mạnh vận chuyển liên vận quốc tế giữa Việt Nam-Trung Quốc và đi đến nước thứ ba. Để thống nhất đầu mối chỉ đạo vận chuyển liên vận quốc tế của các đơn vị trong ngành đường sắt, VNR đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác vận tải liên vận quốc tế đường sắt do Tổng Giám đốc VNR làm Trưởng ban. 

Đánh giá những khó khăn trong vận tải liên vận đường sắt, Phó Tổng Giám đốc VNR Phan Quốc Anh chia sẻ, cơ sở hạ tầng, năng lực kho bãi các ga của ngành đường sắt đang rất yếu, không đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, chỉ có các ga Đồng Đăng, Lào Cai, Yên Viên, Hải Phòng có tổ chức thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (có hải quan) nhưng lượng hàng hóa tăng thường tập trung ở hai ga Đồng Đăng, Yên Viên dẫn đến ách tắc hàng hóa. 

Chính vì thế, VNR đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét đầu tư nâng cấp kho, bãi đạt tiêu chuẩn để phục vụ vận tải hàng hóa trên toàn mạng lưới, trước mắt sớm xem xét bổ sung ga Kép, ga cấp 2 thuộc huyện Lạng Giang (Bắc Giang), có diện tích khu ga 102 nghìn mét vuông, bãi hàng 27 nghìn mét vuông thành ga liên vận quốc tế, giúp giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và hai ga liên vận quốc tế trên tuyến là Yên Viên và Đồng Đăng. 

Cùng với đó, mở rộng, nâng cấp các ga Sóng Thần, Diêu Trì, Kim Liên, Vinh, Đồng Đăng, Đông Anh, Kép thành nơi tập kết hàng hóa, công-ten-nơ lớn. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế tăng cao trên cả hai chiều qua cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), ước tính mỗi tháng sản lượng hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này đạt khoảng 200 nghìn tấn. 

Do hạn chế về năng lực đường ga và kho bãi tại các ga quốc tế Đồng Đăng và Yên Viên, trong tháng 1 vừa qua, lượng hàng thông qua chỉ được hơn 80 nghìn tấn. Mỗi ngày, có khoảng 500-600 toa xe ách tắc tại ga Bằng Tường (Trung Quốc) và dọc đường từ ga Nam Ninh đến ga Bằng Tường trên đường sắt Trung Quốc đợi tiếp nhận vận chuyển sang Việt Nam. Hàng hóa liên vận quốc tế đến Bắc Giang phải khai báo thủ tục xuất nhập tại hải quan ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) hoặc ga Yên Viên (Hà Nội), sau đó dỡ hàng đi bằng đường bộ về nhà máy, một số đi tiếp bằng đường sắt theo vận đơn nội địa về ga Kép dỡ hàng. Nhu cầu hàng hóa liên vận quốc tế tại ga Kép khoảng từ 10 đến 15 nghìn tấn/tháng. 

Vì vậy, việc ga Kép trở thành ga liên vận quốc tế sẽ hình thành đầu mối trung chuyển hàng hóa cho khu vực Bắc Giang và các tỉnh phụ cận, giúp giảm chi phí logistics. 

Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh cho biết, vừa qua, trong Đề án quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, VNR đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan giao lại hạ tầng các khu ga cho VNR theo hình thức tăng vốn để đơn vị thuận lợi, chủ động khai thác nguồn lực, đúng mục đích kinh doanh. Các khu ga được đầu tư hấp dẫn sẽ thu hút được vào phương tiện xếp dỡ, phương tiện vận tải, từ đó mang lại thặng dư và dành nguồn lực đó đầu tư các khu ga khác, trong khi nếu chờ nguồn ngân sách thì rất lâu mới bố trí được. 

Trước đó, VNR cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí khoảng 2.380 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2023 từ nguồn chương trình phục hồi kinh tế bền vững để cải tạo, nâng cấp 41 ga nhằm nâng cao năng lực và tăng hiệu quả vận tải đường sắt. 

Tại cuộc họp về thúc đẩy tăng trưởng vận tải hàng hóa liên vận cuối năm 2021, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu VNR có giải pháp cụ thể thúc đẩy vận tải nội địa, nhất là tuyến bắc-nam và vận tải hàng đi châu Âu. 

Theo đó, rà soát, xác định một số ga hiện hữu còn quỹ đất hoặc có thể mở rộng, nâng cấp kho bãi thành điểm tập kết hàng hóa bằng đường bộ, từ đó vận chuyển bằng tàu và đề xuất cơ chế đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu mở ga mới trên tuyến gần khu công nghiệp, những vị trí thuận lợi về đường bộ kết nối, không vướng về mặt bằng để đầu tư làm ga tập kết, trung chuyển hàng hóa.