Gỡ khó, đưa Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 bắt kịp tiến độ

Ðường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tăng cường năng lực lưới truyền tải 500 kV bắc-trung, giúp nâng cao ổn định vận hành hệ thống điện quốc gia, bảo đảm cung cấp điện cho miền bắc thời điểm hiện tại và cả những năm tới.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công vị trí 201 Ðường dây 500 kV mạch 3 đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Ðịnh I-Phố Nối (địa phận Thái Bình).
Thi công vị trí 201 Ðường dây 500 kV mạch 3 đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Ðịnh I-Phố Nối (địa phận Thái Bình).

Quá trình thi công dự án, dù có bước khởi đầu thuận lợi, tuy nhiên do tiến độ gấp rút, khối lượng công việc rất lớn, cộng thêm nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công, gây nguy cơ chậm tiến độ dự án.

Trước tình hình nêu trên, ngày 16/2, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã chủ trì cuộc họp nhằm đánh giá, kiểm điểm tiến độ triển khai dự án.

Vướng thủ tục đất rừng

Dự án Ðường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối có tổng mức đầu tư hơn 22.350 tỷ đồng, chiều dài 519 km, điểm đầu là Trung tâm điện lực Quảng Trạch (Quảng Bình), điểm cuối là Trạm biến áp 500 kV Phố Nối (Hưng Yên); đi qua 9 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình tới Hưng Yên.

Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã phối hợp các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp thuận nhận tiền tạm ứng và bàn giao sớm mặt bằng cho chủ đầu tư. Ðến nay, việc bàn giao vị trí móng cột đã đạt 91%, chỉ còn 405 vị trí chưa bàn giao; phần hành lang tuyến bàn giao đạt 25%; toàn bộ dự án có 222/226 gói thầu đã ký hợp đồng, chỉ còn 4 gói thầu đang tiến hành nốt thủ tục trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, trong số các móng cột đã được bàn giao, có nhiều vị trí chưa thể thi công do chưa tháo gỡ hết vướng mắc. Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh đã vận động bàn giao toàn bộ 285/285 vị trí móng cột, nhưng có đến 96 vị trí chưa thể thi công, gồm 60 vị trí do chưa chuyển đổi được mục đích sử dụng rừng cũng như vướng mắc thủ tục tác động vào rừng để mở đường vào vị trí móng; 1 vị trí người dân mới bàn giao một phần; 35 vị trí do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Hà Tĩnh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hương Khê Hà Tĩnh quản lý chưa tổ chức chặt hạ, thanh lý cây cao su theo quy định. Tương tự, trong số 127 móng cột tỉnh Nghệ An đã vận động bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, cũng có 16 vị trí chưa thể thi công do vướng đất rừng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên phần móng cột đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại các quyết định chủ trương đầu tư dự án. Nhưng trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, do cần chuẩn xác giải pháp thiết kế, dẫn tới tọa độ các vị trí móng có thể sai khác. Mặc dù diện tích cần chuyển đổi sau đó không vượt quá chủ trương ban đầu được phê duyệt, tuy nhiên đây vẫn là khó khăn lớn nhất trong việc thẩm định phê duyệt hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại các địa phương.

Bên cạnh đó, việc sử dụng đất rừng để làm đường tạm, bãi tập kết vật tư, vật liệu hiện cũng chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, gây nhiều khó khăn cho quá trình thi công. Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Vũ Văn Tiến cho hay: Theo chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 156/NÐ-CP, trình Thủ tướng ký ban hành; trong đó, tất cả vướng mắc tồn đọng EVN nêu trên đã đưa vào dự thảo để giải quyết.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Ðặng Hoàng An, kể cả khi Nghị định mới được ký ban hành trong vài ngày tới, cũng phải chờ tối thiểu 45 ngày mới có hiệu lực, đến lúc đó sẽ "vỡ" tiến độ các vị trí có rừng. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Gỡ khó, đưa Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 bắt kịp tiến độ ảnh 1

Thi công xuyên đêm tại vị trí 100 Ðường dây 500 kV đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Ðịnh I-Thanh Hóa.

Vướng ở đâu, gỡ ngay ở đấy

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà cho hay, Dự án Ðường dây 500 kV mạch 3 qua Hà Tĩnh có gần 150 móng cột sai khác với vị trí ban đầu được phê duyệt. Vì khung chính sách giải phóng mặt bằng mới vẫn chưa được phê duyệt, hiện nay Hà Tĩnh vẫn đang áp dụng chính sách của tỉnh để thực hiện. Thời gian tới, chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục huy động cả bộ máy chính trị vào cuộc, giải quyết rốt ráo các vấn đề liên quan đến bàn giao mặt bằng cho Dự án Ðường dây 500 kV mạch 3. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 156/NÐ-CP và chủ đầu tư cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Là địa phương còn số lượng vị trí móng chưa bàn giao mặt bằng nhiều nhất, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết, tỉnh đã vận động và bàn giao cho chủ đầu tư 161 vị trí móng cột, trong đó 127 vị trí có thể thi công được ngay. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục vận động người dân sớm bàn giao nốt mặt bằng các vị trí móng cột và hành lang cho phía chủ đầu tư, phấn đấu hoàn thành các vị trí móng cột trước ngày 29/2 và hành lang tuyến trước ngày 31/3 tới.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Ðịnh Hà Lan Anh, thời gian qua, tỉnh Nam Ðịnh luôn phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và nhà thầu dự án, giải phóng, bàn giao mặt bằng 144/145 vị trí móng cột. Vị trí duy nhất còn lại do vướng phần đất ở của người dân, địa phương đang tích cực vận động, cố gắng hoàn thành bàn giao trước ngày 20/2.

Về hành lang tuyến, Nam Ðịnh cũng đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để bảo đảm bàn giao lại theo đúng kế hoạch đề ra, phấn đấu trong tháng 3 tới, tỉnh sẽ bàn giao cơ bản toàn bộ mặt bằng cho dự án. Ðồng thời, tiếp tục vận động người dân ủng hộ, sớm bàn giao đất cho dự án; phối hợp chặt chẽ với EVN, EVNNPT bảo đảm tiến độ đề ra. Tỉnh kiến nghị chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi bộ hồ sơ trích đo, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh để thẩm định và triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá: Cách đây 4 tháng, dự án vẫn chỉ "nằm trên giấy", các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan đã triển khai "thần tốc", hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ có thể đo đếm được. Ðây là nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tuy nhiên những gì đã làm được, nếu so với cam kết của các bộ, ngành, địa phương trước Thủ tướng thì vẫn còn khoảng cách rất xa. Nếu không quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để thực hiện đúng cam kết của chính mình, dự án sẽ rất khó bắt kịp tiến độ, đưa vào vận hành trước ngày 30/6 tới.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị chủ động rà soát các công việc, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, tập trung phối hợp giải quyết dứt điểm ngay trong tháng 2 này. Những vướng mắc như mặt bằng hố móng, mặt bằng thi công, thủ tục hành chính cần được nhanh chóng tháo gỡ, giúp chủ đầu tư và nhà thầu sớm tiến hành thi công dự án.

Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng xem xét, một mặt sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 156/NÐ-CP, một mặt cho chủ trương để hiệu lực của Nghị định sớm đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho các địa phương có căn cứ giải quyết vướng mắc trong việc chuyển đổi và sử dụng diện tích đất rừng, đất nông nghiệp đối với dự án. Về phía EVN và EVNNPT, cần sớm cung cấp hồ sơ liên quan để các địa phương xây dựng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng các vị trí hố móng, hố cột, mặt bằng thi công; khẩn trương thi công những vị trí đã có mặt bằng, đủ điều kiện thi công, đạt tiến độ đề ra; hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu với các gói thầu còn lại ngay trong tháng 2, nhất là lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị lõi quan trọng của dự án,... Về phía chủ đầu tư cũng đã chỉ đạo toàn bộ đơn vị tư vấn bám sát hiện trường, khẩn trương hoàn thiện, bổ sung hồ sơ trong vài ngày tới, theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.