Dự án vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, nằm ở phía đông huyện đảo Lý Sơn, được triển khai từ năm 2004. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2010, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với diện tích đất sử dụng 43,6 ha, trong đó quy mô vũng neo đậu 21,6 ha; tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng (vốn Trung ương bố trí theo chương trình mục tiêu khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá hơn 399 tỷ đồng).
Dang dở dự án
Dự án vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2) bao gồm các hạng mục nạo vét, mở rộng và bố trí các điểm neo đậu an toàn trên vũng đáp ứng 500 tàu có công suất đến 400 CV/chiếc. Đồng thời, xây dựng tuyến neo đậu liền bờ nối tiếp từ kè bờ kết hợp neo đậu hiện hữu tới chân đê đông, bảo đảm neo cập được tàu đến 400 CV/chiếc; mở rộng mặt bằng kè bờ kết hợp với neo đậu; hoàn chỉnh tuyến đê đông nam, bảo đảm công trình và khu nước vũng neo đậu ổn định ngay trong mùa gió bão; tàu thuyền neo đậu ổn định lúc biển động; từng bước hình thành kết cấu hạ tầng nghề cá, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh cho đảo Lý Sơn,... Tuy nhiên, sau gần 12 năm, dự án vẫn trong tình trạng ngổn ngang, dang dở. Ban đầu, dự án này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, sau đó giao lại cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh. Do Ban Quản lý dự án hoạt động yếu kém, đầu năm 2021, tỉnh sáp nhập ban này và chuyển dự án cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi Đỗ Tâm Hiển cho biết, sau khi tiếp nhận dự án vào đầu năm 2021, Ban đã phối hợp các đơn vị liên quan và nhà thầu tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục dang dở trước đó. Đến cuối năm 2021, các gói thầu số 3, 13, 14, mới hoàn thành, bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành. Riêng hai gói thầu chính số 15 (vũng neo đậu tàu thuyền) và số 16 (tuyến neo đậu liền bờ và mở rộng mặt kè bờ kết hợp neo đậu), đến thời điểm này vẫn còn ngổn ngang. Đơn cử, gói thầu số 15, dù khối lượng công việc đã hoàn thành gần 90% nhưng việc thi công nạo vét nảy sinh vướng mắc do có một số vị trí cục bộ xuất hiện đá san hô kết cứng và đá bazan đen, không thể nạo vét bằng các thiết bị cơ giới thông thường, phải thay đổi biện pháp thi công sang nổ mìn, phá đá sau đó mới tiến hành nạo vét. Ngoài ra, có tình trạng ngư dân địa phương tự ý sử dụng vũng để cập bến neo đậu, tránh trú bão và lấn chiếm diện tích mặt nước để tập kết, trung chuyển bè cát trồng hành, tỏi, rơi vãi vật liệu gây bồi lắng, khó khăn trong quá trình thi công. Đối với gói thầu số 16, bên cạnh việc phải tạm dừng thi công để thay đổi biện pháp thi công, còn vướng phải khó khăn khi gần 8.000 m2 mặt bằng thi công hạng mục tường rào bị 38 hộ dân lấn chiếm làm nhà trồng hành tỏi, khiến tổng thể khối lượng công việc mới đạt hơn 80%.
Đốc thúc tăng tiến độ
Việc thi công ì ạch, chậm tiến độ của dự án không chỉ gây tốn kém, lãng phí tiền của mà còn gây bức xúc đối với người dân. Để sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả đầu tư, chủ đầu tư đã có văn bản kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2022; đồng ý chủ trương thực hiện phần khối lượng điều chỉnh, bổ sung do thay đổi biện pháp thi công nạo vét phá đá, nổ mìn gói thầu số 15 và 16 với giá trị cần bổ sung dự kiến khoảng 25,8 tỷ đồng; chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện đảo Lý Sơn và các đơn vị liên quan vận động người dân đưa các bè cát đang neo đậu và khai thác trong khu vực vũng neo đậu di chuyển ra khỏi khu vực nạo vét để đơn vị thi công triển khai hoàn thành toàn bộ khu vực.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, Đặng Văn Minh khẳng định, dự án vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2) có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm an toàn cho ngư dân khi có thiên tai bão tố cũng như phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Tuy nhiên, để dự án kéo dài nhiều năm, trải qua nhiều nhiệm kỳ, từ năm 2010 đến nay chưa hoàn thành là không thể chấp nhận. Dự án bị kéo dài xuất phát từ sự yếu kém của chủ đầu tư đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án cũng như phối hợp các ngành, địa phương liên quan. Ban Quản lý cảng cá huyện Lý Sơn cũng thể hiện sự yếu kém trong việc thực hiện chức năng quản lý cảng cá, để người dân lấn chiếm, vi phạm phần diện tích đã được giao cho ban quản lý dự án, dẫn đến dự án bị ngưng trệ. “Một dự án trải qua 12 năm với tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng, trải qua ba chủ đầu tư, không ai chịu trách nhiệm, dẫn đến giờ này vẫn chưa xong là bài học kinh nghiệm đau xót mà các sở, ngành liên quan trực tiếp tham mưu cho cấp có thẩm quyền cần phải rút kinh nghiệm ngay”. Đồng chí Đặng Văn Minh nhấn mạnh và cho rằng, những vướng mắc hiện tại không kịp thời tháo gỡ thì dự án còn tiếp tục kéo dài chưa biết đến bao giờ hoàn thành, không phát huy được hiệu quả đầu tư.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, chậm nhất trình trước ngày 15/3 để quyết định thời gian hoàn thành dự án trong năm nay. Giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho phép điều chỉnh biện pháp thi công, nạo vét gói thầu số 15 và 16 theo đúng quy định hiện hành. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi trên cơ sở ý kiến đề xuất của các ngành, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo lên kế hoạch tiếp tục bố trí vốn, khẩn trương rà soát toàn diện dự án về bồi thường giải phóng mặt bằng, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn giải quyết dứt điểm đối với các hộ dân tự ý lấn chiếm trái phép để hoàn trả đất lại cho dự án, nghiêm cấm không cho trung chuyển bè khai thác cát từ ngoài biển vào khu vực vũng neo đậu để bơm, hút lên bờ, gây cản trở thi công.