Gỡ “điểm nghẽn” trong thi công đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo

Dự án đầu tư xây dựng công trình cao tốc bắc-nam phía đông, đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo là dự án trọng điểm cấp quốc gia được thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Tuy nhiên, đến nay, dự án còn khoảng 2,2 km trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chưa bàn giao mặt bằng và gặp khó khăn vướng mắc liên quan nguồn vật liệu để thi công. 

Thi công hầm Núi Vung, hầm đường bộ trên tuyến cao tốc bắc-nam thuộc dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo.
Thi công hầm Núi Vung, hầm đường bộ trên tuyến cao tốc bắc-nam thuộc dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo.

Dự án đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo dài 78,5 km, đi qua ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, là một trong ba dự án thành phần thuộc đường cao tốc bắc-nam được đầu tư theo hình thức PPP. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng, nguồn vốn của Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 4.199 tỷ đồng, do Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện liên danh nhà đầu tư, giai đoạn 1 quy mô bốn làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Đến nay, dự án đã thu xếp đủ nguồn vốn, bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác để triển khai thi công, dự kiến thời gian hoàn thành xây dựng dự án vào quý III/2024. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo (doanh nghiệp dự án) Phan Văn Thắng cho biết, trên tuyến có hầm Núi Vung dài 2,2 km, quy mô ba làn xe, bề rộng hầm 14 m. Xét về quy mô, đây là hầm đường bộ lớn thứ tư cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông được Tập đoàn Đèo Cả thực hiện.

Với sự hỗ trợ của các địa phương nơi dự án đi qua và nỗ lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, đến nay, Ban Điều hành dự án đã huy động khoảng 1.000 cán bộ, công nhân và hơn 300 máy móc, thiết bị phục vụ thi công tại dự án để xây dựng nhà điều hành, khu lán trại, khu phụ trợ thi công, làm đường công vụ, thi công hạng mục hầm Núi Vung,… Tuy nhiên, tại một số hạng mục công trình, hồ sơ thiết kế bước thiết kế kỹ thuật có sự sai khác so với thực tế hiện trường, cần có ý kiến của các bên liên quan để làm rõ và đưa ra các giải pháp xử lý. Bên cạnh đó, các mỏ vật liệu thực tế có trữ lượng, công suất không bảo đảm như hồ sơ thiết kế (chỉ đáp ứng khoảng 20-30%), giá thành vật liệu tăng cao, cách xa tuyến cao tốc, đường vận chuyển qua nhiều khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường,... Với những khó khăn về nguồn vật liệu sẽ ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án, doanh nghiệp dự án kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với địa phương cấp mới mỏ vật liệu cho nhà đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ và có giải pháp kiểm soát, bình ổn giá vật liệu xây dựng tại địa phương.

Trước đó, vào giữa tháng 9, chủ trì hội nghị trực tuyến về triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã khẳng định: “Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, phục vụ đời sống của nhân dân, do vậy, các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, không được để chậm tiến độ hoàn thành”. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương và cơ quan liên quan khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cấp phép, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm cung cấp đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP, ban hành kịp thời, đầy đủ chỉ số giá xây dựng phù hợp thực tế biến động thị trường, tính chất dự án và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ bàn giao mặt bằng.

Gỡ “điểm nghẽn” trong thi công đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo -0
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thị sát, kiểm tra thi công dự án đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo.  

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành đúng tiến độ đường cao tốc bắc-nam, tỉnh Ninh Thuận đã cùng Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tại cuộc họp giữa tháng 11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện, thỏa thuận về vị trí các bãi thải và khu phụ trợ thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Về giải quyết các hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, ông Lê Huyền yêu cầu các sở, cơ quan, địa phương tích cực đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản, nhất là đối với các mỏ vật liệu thuộc xã Phước Hữu và Phước Vinh (huyện Ninh Phước) do nhà đầu tư đề xuất để phục vụ thi công dự án đoạn qua địa phận tỉnh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, giao Sở Xây dựng chủ động cung cấp, công bố giá vật liệu xây dựng định kỳ theo quy định cho nhà đầu tư và xử lý các vấn đề liên quan để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kiểm soát giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đối với phần đất thu hồi do điều chỉnh thiết kế bổ sung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Tấn Cảnh đã chỉ đạo UBND các huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ, giải phóng mặt bằng dứt điểm và bàn giao cho doanh nghiệp dự án trong tháng 12/2021 để kịp tiến độ của công trình. “Đây là lần cuối cùng UBND tỉnh giải quyết, xử lý vướng mắc về giải phóng mặt bằng của dự án, trách nhiệm giải phóng mặt bằng thuộc về chính quyền cấp huyện, phối hợp các đơn vị liên quan để thực hiện kịp thời, hiệu quả”, ông Phan Tấn Cảnh nhấn mạnh.

Cuối tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đã trực tiếp thị sát, kiểm tra tình hình thực hiện dự án đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo. Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá cao nỗ lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng đã huy động máy móc thiết bị, nhân sự vào dự án, chủ động sắp xếp nguồn vốn và triển khai tổ chức các mũi thi công. Đây là công trình trọng điểm quốc gia được Chính phủ quan tâm chỉ đạo sâu sát, vì thế Bộ Giao thông vận tải sẽ có trách nhiệm đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc nảy sinh. Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải cam kết sẽ cùng nhà đầu tư để giải quyết các vướng mắc, khó khăn về mặt bằng, nguồn vật liệu và sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của bộ giải quyết dứt điểm các vướng mắc về thủ tục, có ý kiến đối với các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai dự án bảo đảm tiến độ. Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng nhận định, với năng lực, kinh nghiệm trong triển khai đầu tư, hoàn thành nhiều dự án BOT có tổng mức đầu tư lớn, kỹ thuật thi công phức tạp,… Tập đoàn Đèo Cả sẽ tiếp tục hoàn thành đúng tiêu chuẩn chất lượng và tiến độ đề ra không chỉ tại dự án đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo mà còn ở các dự án khác trong tương lai theo hình thức PPP.