Giúp nông dân làm giàu từ cây dược liệu

Huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) có dân số hơn 28 nghìn người, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Xác định được những lợi thế thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết và phong tục, tập quán canh tác của người dân, huyện đã đưa mô hình phát triển cây dược liệu trồng thử nghiệm từ năm 2015, giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình chị Y Mua, xã Măng Cành, huyện Kon Plông chuyển đổi từ trồng cây sắn không hiệu quả sang trồng cây đương quy cho thu nhập tăng gấp hai lần.
Gia đình chị Y Mua, xã Măng Cành, huyện Kon Plông chuyển đổi từ trồng cây sắn không hiệu quả sang trồng cây đương quy cho thu nhập tăng gấp hai lần.

Diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Kon Plông đến nay gần 1.200 ha, với các cây trồng chủ yếu là sâm dây, sa nhân, nghệ, đương quy, sả Java, lan kim tuyến..., đồng thời đang khoanh vùng, bảo tồn, khai thác và phát triển các loại cây dược liệu như ngũ vị tử, sơn tra, chè dây, chuối rừng,... Qua đó, góp phần đa dạng hóa các loại cây dược liệu trên địa bàn huyện, tạo ra các sản phẩm từ dược liệu để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng và phục vụ cho ngành dược, thực phẩm chức năng.

Trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế sẵn có về đất đai, khí hậu; đồng thời giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây dược liệu phù hợp, các cấp Hội nông dân huyện Kon Plông đã có nhiều phương thức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, nhất là các loại cây dược liệu. Các cấp hội cũng tổ chức hỗ trợ, tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn; tín chấp cho nông dân vay vốn mua vật tư, máy móc nông nghiệp; đồng thời hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể, tổ hợp tác liên doanh, liên kết trong trồng và tiêu thụ các sản phẩm từ cây dược liệu.

Ðến thăm vườn dược liệu của ông A Diêu, chúng tôi được chứng kiến cây dược liệu phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình. Ông A Diêu cho biết, nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho nên việc canh tác sâm dây và đương quy khá thuận lợi. 1 ha sâm dây, trung bình mỗi năm cho sản lượng khoảng 3 tấn, đem về nguồn thu khoảng 900 triệu đồng; 1 ha đương quy, sản lượng trung bình khoảng 14 tấn/năm, thu về 350 triệu đồng/năm.

Không chỉ gia đình ông A Diêu, hiện trên địa bàn huyện Kon Plông đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia trồng, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu, trở thành những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, thu nhập cao.

Tiêu biểu như các hộ hội viên: Y Thê, A Chương, A Phin, A Manh (xã Mãng Bút) trồng dược liệu dưới tán rừng; hộ A Diêu (xã Măng Cành), hộ A Nga (xã Ðăk Tăng) với mô hình trồng sâm dây, đương quy; hội viên nông dân xã Ðăk Ring, Ngọk Tem với mô hình các nhóm hộ trồng sả Java…

Ðiều đáng ghi nhận là, ngoài việc tăng thu nhập cho gia đình mình, những gương nông dân trồng dược liệu tốt còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động và hàng nghìn lao động thời vụ, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất; dám nghĩ, dám làm, tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới, phá thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống góp phần đa dạng hóa sản phẩm, phát triển kinh tế nông thôn.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kon Plông A Thắng cho biết: Ðể phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu, huyện tập trung đầu tư, bảo tồn, phát triển và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm trở thành vùng trọng điểm dược liệu của tỉnh Kon Tum, đồng thời, qua đó giúp người dân dần thay đổi tư duy từ việc trồng, bảo tồn và phát triển dược liệu tự phát sang phát triển vùng dược liệu theo hướng tập trung, quy mô lớn tạo ra giá trị cao, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân.