Việc tiếp nhận, phân công các cơ quan, tổ chức xã hội, gia đình tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ đã góp phần tích cực giúp người chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng. Nhờ đó nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã tích cực tham gia phát triển kinh tế; không những làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ những người khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, ông Đoàn Khắc Chỉnh ở bản Cắng Đắng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu đã phải vật lộn đủ nghề để mưu sinh. Trong cuộc vật lộn mưu sinh ấy, ông Chỉnh thấy bà con trong bản thường lên rừng tìm thảo dược mang bán. Thảo dược có giá trị lại không có đầu mối thu gom, ông Chỉnh đã vay vốn rồi đứng ra tổ chức thu mua đem xuất bán xuống các tỉnh miền xuôi.
Tích lũy được vốn, ông Chỉnh thành lập doanh nghiệp tư nhân Nam Thụy chuyên kinh doanh, chế biến và phát triển thảo dược quý của địa phương. Giờ đây, ngoài việc thu mua, chế biến, ông Chỉnh còn trồng và cung cấp giống dược liệu như tam thất, đương quy, nghệ đen…cho nhiều hộ dân tộc trên địa bàn tham gia phát triển kinh tế. Với sự ổn định trong kinh doanh chế biến và trồng dược liệu, mỗi năm gia đình ông Chỉnh thu về hơn ba trăm triệu đồng tiền lãi. Ngoài ra, doanh nghiệp của ông còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 đến 10 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng, trong đó có những lao động cũng từng một thời vướng vòng lao lý.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đoàn Khắc Chỉnh cho biết: Sau khi ra tù trở về địa phương, bản thân muốn làm công việc chân chính. Chuyển đổi qua nhiều nghề để mưu sinh, nhưng cuộc sống cũng rất khó khăn. Được sự ủng hộ về tinh thần của gia đình và bà con lối xóm; chính quyền địa phương cũng quan tâm động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho ông tiếp cận nguồn vốn… Từ đó ông Chỉnh tính toán làm ăn buôn bán. Sau nhiều năm cố gắng giờ điều kiện kinh tế cũng khá, gia đình ổn định giúp ông không phải mặc cảm với quá khứ trước đây.
Tương tự ông Chỉnh, anh Thào Văn Hoan, ở bản San Thàng 2, xã San Thàng, thành phố Lai Châu đã từng bị kết án 13 năm tù vì tội tàng trữ chất ma túy. Nhờ cải tạo tốt, được giảm án, đặc xá; sau hơn 9 năm chấp hành án phạt tù, anh Hoan đã được trở về với gia đình. Lúc đầu mới về anh Hoan thường mặc cảm, sợ mọi người xa lánh. Nhưng nhờ sự động viên của chính quyền địa phương và người thân, anh Hoan mạnh dạn vay vốn ngân hàng phát triển mô hình VAC. Với quyết tâm làm lại cuộc đời, anh Hoan kiên trì học hỏi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất; đến nay mỗi năm, trang trại của anh cho thu nhập hơn 200 triệu đồng, cuộc sống gia đình anh Hoan nhờ đó mà ổn định.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Lai Châu hiện có 92 người đã chấp hành án xong đang sinh sống tại các địa phương. Trong đó phần lớn đã có ý thức chấp hành pháp luật, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Trong số đó có nhiều người đã tham gia làm việc ở các tổ chức doanh nghiệp, nhiều người tự phấn đấu cố gắng vươn lên làm lại cuộc đời. Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động, sản xuất làm giàu chính đáng như anh Hoan, ông Chỉnh.
Thượng tá Nguyễn Việt Anh, Phó trưởng Công an thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu cho biết, để tiếp tục thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, công an thành phố xác định làm tốt việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ban, ngành đoàn thể nêu cao tinh thần trách nhiệm, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, của cơ quan mình. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tốt các biện pháp quản lý, giáo dục, sớm phát hiện các biểu hiện có thể dẫn đến việc người tái hòa nhập cộng đồng tái phạm tội. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội và doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện về vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ cho người tái hòa nhập cộng đồng sớm có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống.