“Cuộc đua” không cân sức với biến động chi phí ngành hàng không

Lợi thế khi thị trường quốc tế được mở cửa hoàn toàn đã mang lại nhiều khởi sắc cho ngành hàng không, nhất là vận tải hành khách. Song đến nay, việc tăng doanh thu lại không mang về lợi nhuận như kỳ vọng, khi các hãng hàng không tiếp tục rơi vào “cuộc đua” không cân sức với chi phí khai thác không ngừng tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Nguyên nhân do ngành hàng không đang phải gánh chịu ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan như: giá nhiên liệu leo thang, tỷ giá liên tục thay đổi, điểm nghẽn hạ tầng, tín dụng và các xung đột địa chính trị trên thị trường quốc tế.

Giá nhiên liệu biến động liên tục

Không khó để nhận ra, lợi thế về thị trường quốc tế gần như mở cửa hoàn toàn và hàng không là 1 trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Trong bức tranh khởi sắc của mảng vận tải hành khách xuyên biên giới, các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ, đường thủy cũng đang cải thiện dần lợi nhuận, đặc biệt trong năm 2023. Theo Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm 2023, vận chuyển hành khách tăng 12,5% và luân chuyển tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm nay đạt gần 8,9 triệu lượt, cao gấp 4,74 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó, riêng ngành hàng không vận chuyển hơn 6,1 triệu lượt khách, cao gấp 3,7 lần cùng kỳ. Các thị trường khách du lịch nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng vừa qua là Hàn Quốc (gần 2,6 triệu lượt khách), Trung Quốc (hơn 1,1 triệu lượt),...

Ngành du lịch phục hồi nhanh góp phần giúp doanh thu của các hãng hàng không khởi sắc. Thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, trong 9 tháng qua, Vietnam Airlines Group (gồm ba hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) đã thực hiện hơn 114 nghìn chuyến bay, vận chuyển hơn 18 triệu lượt khách, dẫn đầu ngành hàng không nước ta với gần 43% thị phần.

Mặc dù nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau đại dịch Covid-19, song hiện tại, ngành hàng không đang phải tiếp tục đối mặt với bài toán biến động chi phí nhiên liệu. Giá nhiên liệu và tỷ giá đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hãng hàng không.

Trong cơ cấu chi phí, giá nhiên liệu thường chiếm khoảng 25-28% chi phí khai thác của các hãng hàng không. Tuy nhiên, khi giá nhiên liệu tăng cao, đã đẩy chi phí nhiên liệu lên 36-38% tổng chi phí khai thác, thậm chí ở mức cao hơn nhiều trong cơ cấu chi phí của các hãng hàng không hoạt động theo mô hình hàng không chi phí thấp (LCC).

Cập nhật theo dữ liệu của các hãng bay cho thấy, giá nhiên liệu trung bình năm 2023 so với năm 2015 (thời điểm khung giá vé máy bay hiện tại được áp dụng) đã tăng tới 58,6%, từ mức giá 67,37 USD/thùng trung bình năm 2015 tăng lên mức 106,86 USD/thùng năm 2023. Diễn biến này đã khiến chi phí của các hãng bay đã “ăn mòn” lợi nhuận, đơn cử như chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines năm 2023 tăng so với năm 2019 ở mức hơn 6.200 tỷ đồng.

“Khi xây dựng kế hoạch năm 2023, giá nhiên liệu bay được tính toán khoảng 112 USD/thùng trên cơ sở dự báo giá dầu thô Brent, nhưng rủi ro giá nhiên liệu thực tế đã diễn biến rất khó lường do nhiều yếu tố không chắc chắn về kinh tế vĩ mô, thị trường năng lượng và địa chính trị thế giới. Giá nhiên liệu bay chỉ cần tăng hoặc giảm 1 USD/thùng có thể tác động chi phí nhiên liệu năm nay đối với hãng tăng/giảm tương ứng khoảng 224 tỷ đồng”, đại diện một hãng hàng không phân tích.

Ðây không chỉ là vấn đề của các hãng hàng không nội địa Việt Nam, theo tờ Financial Times nhận định, giá vé trên nhiều đường bay ở thị trường quốc tế tăng đáng kể trong 2 năm gần đây so với mức trước đại dịch. Dựa trên số liệu mới nhất từ công ty theo dõi ngành hàng không Cirium, giá vé trung bình trên hơn 600 đường bay bận rộn nhất thế giới đã tăng với tốc độ hằng năm là 27,4% tính đến tháng 2/2023. Thực trạng tốc độ tăng giá vé duy trì ở mức hai con số này đã kéo dài trong 15 tháng liên tiếp.

Hiệu ứng “cánh bướm”

Trong khi đó, từ đầu năm đến tháng 11 này, giá dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng. Dựa trên diễn biến này, theo nhận định của kênh tin tức tài chính lớn nhất Hoa Kỳ CNBC, các hãng hàng không lớn như Delta Airlines, American Airlines đều đã hạ dự báo lợi nhuận quý III do ảnh hưởng từ giá nhiên liệu liên tục tăng cao, làm gia tăng chi phí hoạt động. Ðể bảo đảm hoạt động kinh doanh, nhiều hãng hàng không trên thế giới buộc phải xem xét nhiều phương án cân bằng chi phí bao gồm việc áp dụng “phụ phí nhiên liệu”.

Trên thực tế, nhiều hãng bay ở châu Âu và châu Mỹ bao gồm cả Trung Ðông đều đã áp dụng lựa chọn này để giảm thiểu áp lực do giá nhiên liệu gây ra. Trong đó có TUI, hãng hàng không của Bỉ, đã áp dụng phụ phí xăng dầu cho tất cả các hạng vé. Phần phí dao động từ vài chục euro đến hàng trăm euro với mỗi hành khách cho một chuyến đi khứ hồi. Việc điều chỉnh giá này đang là thực trạng của ngành hàng không thế giới trong vài năm trở lại đây.

Những năm gần đây, thị trường ngoại tệ cũng chứng kiến sự biến động không ngừng. Số liệu cho thấy, tỷ giá bình quân năm 2015 đã tăng 9%, từ 21.900 đồng/USD lên 23.900 đồng/USD bình quân năm 2023. Với đà tăng của đồng USD trên thị trường thế giới, biên độ chênh lệch tỷ giá USD/đồng Việt Nam trong nước tuy tính ra con số không đáng kể, nhưng lại gây áp lực lớn lên giá vé máy bay, đặc biệt đối với giá vé máy bay nội địa được định vị bằng đồng Việt Nam và không có phụ thu nhiên liệu.

Các hãng hàng không nội địa Việt Nam đã cố gắng tối ưu chi phí trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên không thay đổi được quá nhiều. Chi phí vận chuyển hàng không có tới 70% bằng ngoại tệ trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng đồng Việt Nam. Một chênh lệch nhỏ của tỷ giá USD với tiền đồng cũng hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không. Giống như hiệu ứng “cánh bướm”, nếu tỷ giá USD/đồng Việt Nam cuối năm 2023 chỉ cần tăng 1% so với kế hoạch dự kiến hạch toán, sẽ làm giảm lợi nhuận của Hãng hàng không Vietnam Airlines khoảng 200 tỷ đồng do đánh giá lại nợ vay dài hạn gốc USD.

Tuy vẫn phải đối mặt với chi phí đầu vào cao, giá vé máy bay nội địa Việt Nam được đánh giá là cân đối ở mức hợp lý. Ðặc biệt, ở nhiều chặng, các hãng đã chủ động khuyến mãi sâu để kích cầu đưa xuống mức thấp nhất 6 năm qua trong các dịp cao điểm. Giá vé máy bay trung bình dịp nghỉ hè năm 2023 đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Trở lại sau đại dịch, ngành hàng không được đặt nhiều kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận cao, nhưng trên thực tế bản thân các hãng hàng không vẫn đang phải “gồng mình” để vượt qua giai đoạn khó khăn. Nếu như giá vé chưa được điều chỉnh, doanh thu từ việc duy trì giá bán vé máy bay của các hãng khó có thể bù đắp chênh lệch tác động từ chi phí đầu vào.