Hò biển là một loại hình dân ca truyền thống của cư dân các làng chài ven biển miền trung nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng, thường được người dân xướng lên trong các chuyến ra khơi nhằm quên đi mệt nhọc hoặc trình diễn trong các lễ hội truyền thống của làng.
Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động của đời sống xã hội, hò biển dần mai một và số người hát, hò được làn điệu dân ca này không còn nhiều. Nhiều nghệ nhân đã bỏ công sức sưu tầm, truyền dạy để hò biển tiếp tục được ngân vang. Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Niếu, thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch là một người như thế. Ngoài 80 tuổi nhưng bà vẫn còn khỏe mạnh, giọng hò vẫn còn vang và đôi tay vẫn còn cứng cáp để cầm dùi gõ liên hồi lên mặt trống, gióng lên hồi trống hiệu trong lễ hội cầu ngư mùa biển mới.
Theo bà Niếu, hò biển Nhân Trạch có nét đặc sắc riêng với ba điệu hò chính trong khi lao động sản xuất là hò hạ thủy, hò dậm sạp và hò vè cá. Còn trong các lễ hội thì có hò đưa linh, hò hụi, hò khoan. Các điệu hò biển vừa thể hiện tấm lòng thành kính của ngư dân đối với công đức tổ tiên, vừa thể hiện mong muốn trời yên, biển lặng để những chuyến ra khơi thu về đầy cá tôm.
Cùng với việc sưu tầm lại những bài hát, điệu hò đã bị lãng quên, bà Phạm Thị Niếu và những người cùng đam mê, tâm huyết với hò biển ở Nhân Trạch đã thành lập Câu lạc bộ Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch do bà làm chủ nhiệm.
Cùng với việc sưu tầm lại những bài hát, điệu hò đã bị lãng quên, Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Niếu và những người cùng đam mê, tâm huyết với hò biển ở Nhân Trạch đã thành lập Câu lạc bộ Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch do bà làm chủ nhiệm.
Từng bước một, Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Niếu đã dẫn dắt Câu lạc bộ Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch đưa lời ca, tiếng hát đến với người dân thông qua các lễ hội của làng, xã và hội diễn của huyện, tỉnh. Từ chỗ ngày đầu thành lập chưa có kinh phí hoạt động, về sau, câu lạc bộ đã nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, của chính ngư dân trong xã thông qua việc trích nguồn thu từ các chuyến biển.
Ngoài ra, nhiều con em Nhân Trạch sinh sống ở trong và ngoài nước cũng tích cực hỗ trợ kinh phí cho câu lạc bộ mua sắm nhạc cụ, trang phục để phục vụ việc biểu diễn, trao truyền nét đẹp dân ca cho thế hệ trẻ.
Vùng phía bắc tỉnh Quảng Bình là nơi có nhiều câu lạc bộ ca trù hoạt động hiệu quả, trong đó có Câu lạc bộ ca trù Linh Giang thuộc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông thị xã Ba Đồn, nơi quy tụ những gương mặt đào nương, ca nương từ 25 đến 40 tuổi.
Được đào tạo bài bản tại một trường chuyên nghiệp ở Huế về dân ca và tham gia các khóa tập huấn về ca trù, chị Phạm Thị Tuyết nhanh chóng trở thành một đào nương có tiếng góp mặt trong nhiều chương trình biểu diễn ca trù của thị xã và tỉnh Quảng Bình.
Phạm Thị Tuyết chia sẻ, muốn thể hiện tốt ca trù đòi hỏi người hát phải thật sự say mê, dày công tập luyện để hát đúng kỹ thuật, nhất là cách “ém hơi”, “nhả chữ”. Khó nữa là ca trù sử dụng ngôn ngữ cổ nên người hát phải đầu tư nhiều thời gian để hiểu nội dung và thuộc lời. Là hạt nhân của câu lạc bộ, đào nương Phạm Thị Tuyết luôn trăn trở làm thế nào để ngày càng có nhiều người yêu ca trù nhằm bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa độc đáo của quê hương.
Vì vậy, vừa hăng say luyện hát, Phạm Thị Tuyết vừa khích lệ, động viên tinh thần tập luyện các thành viên trong câu lạc bộ. Đàm Thị Thơm là thành viên trẻ của Câu lạc bộ ca trù Linh Giang cho biết, vì yêu thích dân ca, nhạc cổ, nên cô đã xin vào sinh hoạt tại câu lạc bộ. Ban đầu, Thơm gặp khó khăn do chưa hiểu hết đặc trưng của loại hình nghệ thuật dân gian này, song vì đam mê nên cô đã cố gắng luyện tập, trau chuốt để thể hiện đúng và hay các bài ca trù cổ. Những buổi dạy học ở Trường mầm non Quảng Thọ, Thơm cũng thường lồng ghép việc tập hát dân ca cho các cháu.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, các di sản văn hóa phi vật thể hàm chứa, hội tụ những giá trị có ý nghĩa rất quan trọng được lưu giữ, trao truyền trong cộng đồng dân cư từ đời này sang đời khác; bao gồm những luật tục, phong tục tập quán, tín ngưỡng-tôn giáo, văn học, diễn xướng, lễ hội, tri thức dân gian...
Quảng Bình còn lưu giữ và bảo tồn một khối lượng lớn các di sản văn hóa phi vật thể, phản ánh tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của địa phương. Tỉnh hiện có 104 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó, hệ thống lễ hội dân gian là giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Đến nay, Quảng Bình có hai di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh vào danh mục các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại gồm nghệ thuật bài chòi Trung Bộ và nghệ thuật ca trù; 10 di sản văn hóa có trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Câu lạc bộ ca trù Đông Dương, xã Quảng Phương, thị xã Ba Đồn biểu diễn tiết mục dân ca cổ. |
Các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Quảng Bình đều thể hiện bản sắc đặc trưng riêng. Đây chính là tiềm năng dồi dào để phát triển văn hóa, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó là các câu lạc bộ văn hóa dân gian, các nghệ nhân tại các địa phương đang nắm giữ tri thức, bảo tồn và thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Toàn tỉnh có 43 câu lạc bộ văn hóa dân gian được các cấp có thẩm quyền thành lập, kiện toàn.
Tuy nhiên, như nhận xét của Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình Lê Hùng Phi, cùng với những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương vẫn chưa tương xứng với bề dày lịch sử và các giá trị văn hóa. Một số loại hình văn hóa dân gian có nguy cơ bị mai một, thất truyền; chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, nhà nghiên cứu có công nắm giữ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản văn hóa tiêu biểu chưa được quan tâm đúng mức.
Nhận thấy những hạn chế, bất cập đó, trong năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình đã phối hợp các ngành và địa phương đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; trong đó, lấy các nghệ nhân, các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian ở cơ sở làm hạt nhân trung tâm để thực hiện mục tiêu bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết định thực hiện một số chính sách hỗ trợ đối với các nghệ nhân tiêu biểu.
Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Niếu chia sẻ, do bà đang được hưởng lương hưu, nên theo quy định của tỉnh thì không được nhận chế độ hỗ trợ hằng tháng, thay vào đó, bà được hưởng mức hỗ trợ khi tham gia truyền dạy văn hóa phi vật thể với mức 800 nghìn đồng/buổi. Bà nói: “Tỉnh Quảng Bình còn khó khăn nhưng quan tâm hỗ trợ như thế là tốt rồi. Tôi và các thành viên câu lạc bộ tiếp tục cố gắng truyền dạy, biểu diễn để di sản văn hóa phi vật thể quê hương được lan xa”.
Còn Nghệ nhân Ưu tú - người đàn ông hát ru nổi tiếng ở làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch tên là Lê Thành Lộc vui mừng cho biết: “Từ tháng 1/2024, tôi được hỗ trợ sinh hoạt hằng tháng với mức 700 nghìn đồng/tháng. Dù mức “lương” vẫn còn thấp nhưng tôi cảm thấy vinh dự và ấm lòng bởi sự quan tâm của tỉnh đối với nghệ nhân. Cùng với “tiền lương” hằng tháng, tỉnh có quy định cụ thể các mức thù lao cho việc tham gia truyền dạy và thực hành, trình diễn văn hóa phi vật thể cho các nghệ nhân. Đây là sự động viên khích lệ rất lớn để chúng tôi yên tâm gắn bó với “nghề tay trái” này”.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, thời gian tới, ngành văn hóa cùng với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, như sưu tầm, truyền dạy các hình thức diễn xướng dân gian, phát triển thành viên câu lạc bộ, hạt nhân văn nghệ dân gian; tổ chức các lễ hội dân gian độc đáo gắn với phát triển du lịch cộng đồng, phục dựng một số lễ hội tiêu biểu, lễ hội truyền thống từ đó nhân rộng, khuyến khích các địa phương lưu giữ giá trị văn hóa cổ truyền.