“Nề” chỉ nghề thợ nề, còn “ngõa” có nghĩa là gạch ngói. Nề ngõa chính là kỹ thuật xây dựng cổ, sử dụng các nguyên vật liệu truyền thống, như: vôi vữa, bả màu, sành, sứ... để tạo nên các mảng trang trí nội, ngoại thất hay những bức phù điêu khảm đắp nổi ở các công trình lăng tẩm, đền đài, phủ đệ… trong thời phong kiến. Trải qua thăng trầm thời gian, nề ngõa vẫn được duy trì và phát triển một cách âm thầm và bền bỉ.
Thổi hồn cho linh vật
Người đầu tiên chúng tôi gặp trong hành trình tìm lại nét xưa đó là nghệ nhân Nguyễn Đức Thủy (sinh năm 1975) ở thôn Thượng Thanh, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Gặp nghệ nhân Nguyễn Đức Thủy khi ông đang đứng trên giàn giáo cao gần 5m để gắn từng mảnh gốm lên tượng linh vật ngự trên đầu cây cột tại một ngôi đình cổ ở Thanh Oai. Linh vật được phục chế theo mẫu cổ từ nhiều đời truyền lại. Dù đó là những hình ảnh được bắt nguồn từ trí tưởng tượng của con người thông qua các dấu ấn văn hóa, lịch sử, nhưng đều được nghệ nhân lành nghề tạo dáng rất cân đối, có thần.
Nghệ nhân Nguyễn Đức Thủy chia sẻ, để tạo tác nên những linh vật phù điêu, người thợ sẽ phải mất ít nhất từ hai đến ba ngày để hoàn thiện. Điều đặc biệt trong nghề đắp phù điêu là nguyên liệu được làm khá kỳ công và vẫn giữ nguyên cách thức cổ xưa từ đời cha ông truyền lại. Chất liệu tự nhiên như gỗ, đá, đất sét, vôi, mật mía... làm nên màu sắc, dáng vẻ mộc mạc, thâm trầm mà uy nghiêm.
Phải mất rất nhiều thời gian cho khâu chuẩn bị nguyên liệu. Đầu tiên là vôi giã với giấy dó, trộn cùng mật mía và tro rơm, thêm tỷ lệ dây đay chặt nhỏ rồi dùng cối giã nhuyễn ra cho dẻo quánh bảo đảm sự bền đẹp, ngay cả trong điều kiện dãi nắng dầm mưa ngoài trời. Sau khi nguyên liệu đã xong, nghệ nhân sẽ tạo khối hình bằng cốt sắt và vữa, tiếp đó kết hợp dụng cụ chuyên dụng với bàn tay khéo léo, tư duy tinh tế để tạo chi tiết.
Các tác phẩm tạo hình linh vật thiêng trong đền chùa Việt Nam như: nghê, voi, phượng, rồng chầu mặt nguyệt... đều được nghệ nhân làm một cách thuần thục mà không cần nhìn bản vẽ bởi từ lâu ông đã thuộc nằm lòng. Theo ông, điều quan trọng nhất là tỷ lệ giữa linh vật so với vị trí đặt tượng. Sau đó chính là độ tinh xảo thể hiện qua đường nét hoa văn. Tất cả tạo nên sự tổng hòa để có thể “chạm” đến cảm xúc, sự thăng hoa và trái tim người thưởng lãm.
Không rõ nghề nề ngõa được manh nha từ khi nào, nghệ nhân Nguyễn Đức Thủy chỉ nhớ rằng ông nội mình đã khởi nghiệp ở làng Võ Lăng (Thanh Oai, Hà Tây cũ). Ông được thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật ở bố và ông nội nên từ nhỏ đã tỏ ra đam mê, có năng khiếu trong lĩnh vực đắp tượng, làm phù điêu. Mười lăm tuổi, ông theo cha đi làm tại các công trình đền, chùa, miếu... Cứ thế, theo năm tháng, ông luôn ý thức nghiêm túc để nâng cao tinh thần học hỏi, liên tục được các tổ chức làng nghề, nghệ sĩ đào tạo về mỹ thuật và kiến thức tu bổ di tích. Nghệ nhân luôn coi Giáo sư Nguyễn Lâm Biền, nhà sử học Lê Văn Lan... là những người thầy đã trao truyền nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Họ thường xuyên tư vấn, hỗ trợ ông trong việc tu bổ các di tích cấp quốc gia.
Hiện nay, ở địa phương, ông Nguyễn Đức Thủy đã đào tạo thành nghề cho hơn 20 thợ lành nghề. Từ đó, họ thường xuyên tỏa đi khắp nước để phục chế hoặc làm mới các di tích, tư gia... Trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, ông hào hứng tiết lộ, những thợ chính trong nhóm mình có thu nhập khoảng 20 triệu đồng một tháng mỗi người. Nhờ những đóng góp tích cực trong câu chuyện giữ gìn bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống đắp phù điêu của Thanh Oai, ông được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đắp phù điêu (nề ngõa) năm 2021. Năm 2022, ông được trao danh hiệu Nghệ nhân có bàn tay vàng.
Những tưởng nghề nề ngõa đầy khó khăn vất vả cùng lắm chỉ được lưu truyền và gìn giữ ở thế hệ những người thợ như nghệ nhân Nguyễn Đức Thủy, song, trong hành trình theo dấu nghề, thật ngỡ ngàng khi chúng tôi biết tới Trương Văn Bộ (sinh năm 1998), một tài năng trẻ ở xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội. Anh là sinh viên Khoa Cơ khí, Trường đại học Thủy lợi được mọi người biết tới với biệt tài tạo tác các khối xi-măng, đất cát thành những tiểu cảnh mô phỏng mái đình, mái chùa, gian nhà thờ tổ hay nhà cổ năm gian...
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với nghề vôi vữa vốn được coi là cực nhọc, chỉ hợp với thợ nề, Trương Văn Bộ chậm rãi kể lại, năm lên bảy tuổi, anh sang hàng xóm chơi, thấy bác thợ nề đang đắp một con rùa bằng xi-măng rất đẹp. Về nhà, Bộ bắt chước làm theo, thấy lôi cuốn và đẹp mắt, ngày nào cậu bé cũng đắp, dần dần thành mê mẩn lúc nào không hay. Một ngày nọ, xem trên ti-vi thấy Chùa Một Cột, Bộ lại thích và nhờ sự trợ giúp của ông nội, cậu đã hoàn thiện tác phẩm để làm đồ chơi tuổi thơ. Khi làm xong “tác phẩm”, mọi người đều khen, cậu bé phấn khởi rồi cứ thế, tình yêu với kiến trúc đình chùa cổ, làng cổ Bắc Bộ lớn dần theo năm tháng, thôi thúc Bộ tạo ra những tiểu cảnh mới. Đỗ đại học, anh vẫn say mê.
Những kiến thức Trương Văn Bộ học được từ giảng đường đại học đã giúp anh có khả năng kiểm soát bản vẽ, chia nhỏ tỷ lệ đúng chuẩn hơn, dù là chi tiết nhỏ nhất. Với anh, mỗi tác phẩm là một hành trình giúp bản thân tìm về lịch sử, cội nguồn, như con thuyền đưa anh ngược dòng về những tháng năm xưa cũ. Chàng trai trẻ luôn cố gắng tái hiện những chi tiết thật nhất, gần nhất với bản mẫu nhằm giữ được trọn vẹn hồn cốt của công trình thực ngoài đời trong từng tiểu cảnh.
Truyền nghề để giữ nghề
Từ những nguyên liệu quen thuộc, giá thành không cao... qua bàn tay và khối óc tài hoa, tỉ mỉ của các nghệ nhân, những tác phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt đã ra đời, hòa nhịp vào đời sống hiện đại như “một nốt trầm xao xuyến”.
Được biết, giá mỗi tiểu cảnh mức khác nhau, tùy kích thước và độ phức tạp, nhưng thường sẽ dao động từ khoảng 5 đến 10 triệu đồng. Cũng nhờ có niềm đam mê này mà Trương Văn Bộ có thêm thu nhập trang trải cho việc học hành. Tuy nhiên, anh cũng có những góc riêng dành trọn vẹn cho câu chuyện bảo tồn văn hóa. Thay vì bán, anh thường tặng các sản phẩm do chính tay mình làm ra cho những người hiểu được giá trị của văn hóa Việt với mong muốn lưu giữ hình ảnh nếp nhà xưa.
Tiếng lành đồn xa, đã có nhiều người đến tận nhà xin học nghề, trong đó có cả những người tốt nghiệp chính quy ngành đồ họa hoặc kiến trúc sư vì nhu cầu ứng dụng vào công việc như làm sa bàn. Ai đến, anh cũng nhiệt tình hướng dẫn, thậm chí còn không tính chi phí vôi vữa. Thêm vào đó, Trương Văn Bộ làm thêm nhiều phụ kiện mi-ni, như: gạch lát sân, ngói, gạch đá ong... để giúp những người mới học dễ trang trí. Trao đổi cùng chúng tôi, anh bày tỏ mong muốn làm thêm nhiều tiểu cảnh thu nhỏ đặc trưng ở miền đất mình gắn bó như làng cổ Đường Lâm, các mẫu đình làng Bắc Bộ, nhà Việt cổ... để tăng cơ hội giới thiệu, quảng bá tinh hoa kiến trúc, vẻ đẹp làng quê Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế. Anh cũng đang nghiên cứu thu nhỏ các tiểu cảnh lại để có thể bán cho khách du lịch, đồng thời dự định làm kênh YouTube hướng dẫn kỹ thuật làm mô hình và chia sẻ đam mê tới mọi người.
Một góc làng Nôm, ngôi làng cổ duy nhất còn sót lại của phố Hiến (Hưng Yên), nơi các nghệ nhân nề ngõa nghiên cứu mẫu linh vật. |
Do đặc thù công việc phải đứng và ngồi rất lâu nên nghệ nhân Nguyễn Đức Thủy đã bị bệnh về xương khớp. Chính vì vậy, những năm gần đây, ông luôn trăn trở đến việc sớm thực hiện những điều mình đau đáu với nghề.
Hiện nghệ nhân đang tập hợp tư liệu về các mẫu linh vật, hoa văn cổ... và ghi chép lại những bí quyết nghề để lưu giữ và trao truyền cho thế hệ sau, giữ mạch nguồn cho phù điêu truyền thống Việt. Bên cạnh đó, ông cũng nghiên cứu nhằm tạo ra những mẫu linh vật mới từ cảm hứng và hình mẫu linh vật đời Trần, Lê, Nguyễn... bằng đất nung để người sở hữu vừa thưởng thức giá trị nghệ thuật vừa hiểu hơn về lịch sử.
Đây là lĩnh vực mới đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Nghệ nhân tâm sự, ông có thể đầu tư ngay một lò nung gốm nhưng điều còn đang vướng mắc là chưa tiên lượng được độ co ngót của sản phẩm và làm sao giảm tỷ lệ lỗi sau khi nung. Nề ngõa, nghe thật mộc mạc thân quen, nhưng khi đã đam mê và quyết tâm chinh phục thì sự học cả đời là thế.