Có lịch sử trùng với quá trình hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt, khu Hòa Bình vốn được ví là trái tim của đô thị nổi tiếng trên cao nguyên Lâm Viên suốt hơn một thế kỷ qua. Mà trái tim thì vốn nhạy cảm.
Mạch tuần hoàn của nó luôn được đánh thức bởi những hoài niệm xưa cũ và tiếp nhận cả những cảm xúc tươi mới. Bởi vậy, chạm vào trái tim, nếu không đúng cách sẽ dễ gây nên những tổn thương không dễ hàn gắn. Bởi vậy, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến đồ án này là điều không mấy khó hiểu.
Từ những góc nhìn khác nhau, mỗi người có thể cảm nhận về đồ án này theo cách riêng của mình. Với cá nhân, trước hết tôi tôn trọng tinh thần đột phá, những cải cách mới mẻ nhằm ngõ hầu mở đường cho sự “phá băng” những tù túng, vây hãm từ tư duy đến thực tiễn mà chúng ta đã đối diện trong một thời gian dài.
Thành phố Đà Lạt cần phải đổi mới, bắt kịp xu thế phát triển hiện đại, mà trước hết là đổi mới khu vực trung tâm, một khu vực vốn chật chội và bề bộn như một chiếc bình chứa cũ kỹ mà phải thực hiện quá nhiều công năng.
Dư luận vốn đa chiều nhưng dòng thủy lưu cho tiến trình phát triển thì chỉ có một. Đó là khát vọng về một Đà Lạt tươi đẹp, phồn vinh nhưng vẫn bảo tồn được bản sắc riêng có và những giá trị lịch sử quý giá. Dữ liệu của bài toán khó đặt ra là nếu chỉ hoàn toàn tiếc nuối theo cảm tính thì chúng ta chậm nhịp phát triển, mà thiên về phát triển mới bằng mọi giá thì có lỗi với lịch sử.
Bởi vậy, đổi mới theo cách nào thì vẫn phải giữ được mạch ký ức của đô thị như một sự tiếp nối, trao truyền và lan tỏa những cảm xúc, giá trị của quá khứ trong đời sống đương đại. Điều đó giúp chúng ta kể câu chuyện về xứ sở này liền mạch, nghĩa tình và hấp dẫn. Trong câu chuyện đó, người Đà Lạt và người yêu Đà Lạt vẫn có cách nhớ về những dòng ký ức từng hiện hữu ở khu phố trung tâm từ ngày đầu lập phố, không có sự đứt đoạn…
Tôi đã trả lời câu hỏi của bạn: Cá nhân tôi, một người viết báo, tôi tự thấy không đủ năng lực để nói rằng nên đập gì, xây gì và di dời những công trình cũ mang dấu ấn lịch sử, quá khứ như thế nào cho hợp lý. Tôi nhận thức rằng, thiếu hiểu biết mà “phán bừa” là một sự ngộ nhận, bản thân tôi không muốn phải “trải nghiệm” điều không thuộc chuyên môn của mình.
Theo tôi, với bài toán khó này, chính quyền cần huy động những cơ chế tham vấn chuyên môn; nhất là các chuyên gia quy hoạch-kiến trúc, các nhà nghiên cứu lịch sử-văn hóa từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, đây là lúc, là cơ hội để các cơ quan quản lý, tham mưu tại địa phương như Sở Xây dựng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội Kiến trúc sư tỉnh… thể hiện rõ nhất bản lĩnh, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của họ!...