Nhiều năm nay, ngày này luôn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, cũng là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Một trong những hoạt động ý nghĩa là biểu dương, tôn vinh già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc thiểu số trong nỗ lực vận động, trao truyền kiến thức, bảo tồn văn hóa dân tộc.
Bên cạnh vinh dự là trách nhiệm, không chỉ tận tâm với công tác bảo tồn các di sản của ông cha, chính đội ngũ nghệ nhân ở các làng, bản còn là những người gắn kết cộng đồng, giữ lửa cho văn hóa truyền thống, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và gia đình phát triển kinh tế, tìm cách xóa đói, giảm nghèo, xây dựng bản văn hóa, gia đình văn hóa…
Tuy nhiên, những đóng góp và cố gắng của các nghệ nhân đang ít nhiều bị tác động tiêu cực từ lối sống thực dụng và cơ chế thị trường, chưa thật sự lan tỏa đến cộng đồng như mong muốn, thậm chí có chiều hướng mai một. Bên cạnh đó, đời sống hiện đại cũng đòi hỏi những thay đổi thích ứng, phù hợp với thế hệ trẻ để có thể vừa giữ gìn, vừa phát huy được bản sắc văn hóa.
Tại hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc thiểu số trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vừa qua, các đại biểu nghệ nhân đến từ những cộng đồng, làng bản, phum sóc không khỏi trăn trở.
[Ảnh] Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân và người có uy tín tiêu biểu
Phần lớn ý kiến đều đề xuất, kiến nghị chính sách hỗ trợ để phục dựng các nét văn hóa truyền thống, xây dựng thiết chế văn hóa, đãi ngộ, khuyến khích về tinh thần và vật chất đối với nghệ nhân…, nhưng bản thân các nghệ nhân cũng nhận thấy, đối với vùng dân tộc thiểu số, dân trí chưa cao, đang là rào cản trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Thêm nữa, hiện nay, trong bối cảnh hội nhập và thời đại công nghệ thông tin, chuyển đổi số, những nét văn hóa truyền thống phai nhạt không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu rõ nét.
Cụ thể, trang phục truyền thống, chữ viết, các loại hình nghệ thuật truyền thống…, do không thường xuyên sử dụng hằng ngày, đang bị biến đổi, lai tạp và biến mất ngay trong chính cộng đồng.
Ở địa bàn dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí, kinh tế thấp khiến đồng bào còn tập trung lo sinh kế, không có điều kiện và chưa thật sự quan tâm đến bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc mình. Ở khu vực phát triển hơn, sự giao thoa văn hóa vùng miền khiến văn hóa bản địa bị mờ nhạt, lớp trẻ bắt nhịp công nghệ và lối sống hiện đại, ngày càng xa rời các giá trị cổ truyền của ông cha.
Thực tế ở không ít tỉnh miền núi, vùng cao phía bắc, thanh niên các dân tộc thiểu số bây giờ không tìm hiểu nhau qua tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn hay những điệu dân ca mượt mà như truyền thống trước đây mà bằng các phương tiện thông tin hiện đại, điện thoại thông minh và mạng xã hội. Vì vậy, trọng trách bảo tồn di sản và bản sắc văn hóa dân tộc càng đặt nặng lên vai lớp nghệ nhân cao tuổi. Trong khi đó, theo năm tháng, thế hệ các nghệ nhân nắm vững, hiểu rõ các loại hình nghệ thuật, diễn xướng hay nghề truyền thống ngày càng ít dần và ra đi vì tuổi tác, sức khỏe.
Ở nhiều nơi, có khi cả vùng, cả bản mới chỉ có một vài nghệ nhân cao tuổi vẫn mày mò, cặm cụi lưu giữ vốn di sản ít ỏi cha ông để lại, cũng vì thế tri thức lưu giữ trong trí nhớ cũng dần bị lãng quên. Ở thành thị, đã xuất hiện một số tổ chức hoặc nhóm cá nhân hứng thú với văn hóa bản địa, hợp tác với nghệ nhân sản xuất, phục dựng chất liệu hoặc nghề truyền thống để sáng tạo nên những sản phẩm lưu niệm, hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, nhất là với giới trẻ chưa cao. Số nhóm và cá nhân như vậy không nhiều, quy mô sản xuất không lớn và sản phẩm cũng chỉ nhằm phục vụ khách du lịch hoặc nhu cầu một bộ phận nhỏ trong cộng đồng.
Lễ hội té nước của dân tộc Lào tại Điện Biên. |
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 có dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6), đã áp dụng hiệu quả tại một số địa phương như Hà Giang, Lai Châu, gắn gìn giữ các giá trị văn hóa với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho đồng bào.
Đối với bảo tồn trang phục truyền thống, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Theo đó, ở một số tỉnh miền núi, vùng cao, nhiều trường học phổ thông đang vận động học sinh mặc trang phục truyền thống đến trường vào những ngày nhất định trong tuần hoặc các ngày lễ, kỷ niệm… Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức và ý thức cho học sinh trong việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của mình, vừa lan tỏa một nét đẹp văn hóa học đường.
Từ thực trạng nêu trên, có thể thấy, bên cạnh việc cụ thể hóa giải pháp, hình thức bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong đời sống của cộng đồng và xã hội, thời gian tới, các cấp chính quyền và ngành văn hóa cần tiến hành điều tra, khảo sát, kiểm kê di sản, lựa chọn ưu tiên trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, thực hiện việc ghi âm, ghi hình nhằm lưu trữ dữ liệu văn hóa dân gian và triển khai mạnh mẽ hơn các dự án mục tiêu đã đề ra.
Đồng thời, cần thúc đẩy, nâng cao khả năng nhận biết và nhu cầu gìn giữ văn hóa từ chính bản thân cộng đồng, chủ thể văn hóa. Khi nhận thức đúng và đủ về di sản văn hóa bản địa, tự cộng đồng sẽ có những cách làm thiết thực, chung tay bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, giảm nguy cơ mai một, phai nhạt bản sắc…