Tiếng nói từ cơ sở

Giữ gìn trang phục truyền thống

Theo sự phát triển của xã hội, hiện nay nhiều đồng bào Mường, Thái, Mông, Dao, Nùng… đã thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống bằng bộ trang phục phổ thông. Lãnh đạo một số địa phương đã chia sẻ sự ái ngại về một nét đẹp văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) đang dần mai một. Bên cạnh đó, các nghệ nhân biết dệt và may trang phục truyền thống ngày càng thưa vắng; nguyên liệu để thêu, dệt các loại trang phục này cũng khan hiếm dần...

Thực tế đó đặt ra yêu cầu bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS. Trước hết từ nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống; đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống. Ðối với các địa phương có đông đồng bào DTTS, nội dung nêu trên cần được xem như nhiệm vụ quan trọng để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS gắn liền với quá trình thực hiện chủ trương của Ðảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ðó là trách nhiệm, cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của chính quyền, hệ thống chính trị ở các địa phương.

Mới đây, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành và triển khai đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, với kinh phí dự kiến hàng chục tỷ đồng. Ðây cũng là tỉnh có nhiều việc làm thiết thực góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.

Ðể công tác bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các DTTS thành công, từng địa phương có đông đồng bào DTTS trước hết cần quan tâm nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu về trang phục truyền thống dân tộc, gắn liền tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh trang phục truyền thống. Tăng cường tổ chức các hoạt động hằng năm ở cộng đồng như lễ hội văn hóa, du lịch, hội thi trang phục DTTS…, tạo không gian, thời gian để đồng bào thể hiện trang phục. Hoặc tại nhiều tỉnh có những câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa truyền thống, khuyến khích hội viên mặc trang phục dân tộc. Ðã có một số địa phương đưa việc mặc trang phục truyền thống một số ngày trong tuần thành quy định của trường học, giúp giới trẻ tự tin, tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Khi công tác bảo tồn, phục dựng các lễ hội gắn liền nhu cầu mặc trang phục truyền thống đi chơi, dự hội, biểu diễn của quần chúng tăng lên đòi hỏi chính quyền, cơ quan chức năng chú trọng bảo tồn nghề dệt, may, thêu trang phục truyền thống. Các địa phương, tùy tình hình, có hành động cụ thể trong bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS trên địa bàn, hướng mạnh vào mục tiêu tăng cường đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống hằng ngày của đồng bào các DTTS.