Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam:

Giữ an toàn cảng biển trước Covid-19 để tăng trưởng hàng hóa

Giữ an toàn cảng biển trước Covid-19 để tăng trưởng hàng hóa
Giữ an toàn cảng biển trước Covid-19 để tăng trưởng hàng hóa -0
Trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân điện tử, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, việc thực hiện “mục tiêu kép” không có nghĩa là đánh đổi sự an toàn của cảng biển để đổi lấy sự tăng trưởng hàng hóa. Hai năm qua, ngành hàng hải đã có sẵn các kịch bản chống dịch để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh tế cảng biển. Và mục tiêu của ngành là giữ cho hệ thống cảng biển không có ca F0 càng lâu càng tốt.
 
Giữ an toàn cảng biển trước Covid-19 để tăng trưởng hàng hóa -0

PV: Bức tranh toàn cảnh ngành hàng hải thế giới không mấy tươi sáng, nhưng Việt Nam đã có được những thành tựu trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Xin ông chia sẻ về sự tăng trưởng mà ngành hàng hải đã đạt được trong thời gian qua?

p1-1625040826268.jpg

Ông Hoàng Hồng Giang: Hai năm qua, dịch Covid-19 bùng phát, tác động mạnh mẽ vào kinh tế toàn cầu, nhiều cảng tại châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan phải đóng cửa, tàu phải chờ hàng tháng mới có thể vào làm hàng gây ra tình trạng chậm trễ, ách tắc, tăng giá vận tải biển.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia duy trì hoạt động cảng biển tốt, không có tình trạng hàng hóa chậm trễ lưu thông.

Cục Hàng hải Việt Nam luôn quán triệt đến toàn bộ các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng hải trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa sản xuất kinh doanh bảo đảm hàng hóa được vận tải an toàn, thông suốt, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và tăng trưởng cao hơn so với thời gian trước.

Năm 2020, hệ thống cảng biển Việt Nam đã thông qua sản lượng hàng hóa đạt 692 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2020 đạt 22,14 triệu teu, tăng 13% so với năm 2019. Sản lượng thực tế thông qua cảng năm 2020 vượt chỉ tiêu dự báo (phương án cao) trong quy hoạch đến năm 2020 là 1,7% về tổng hàng và 13,5% về hàng container.

Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 6 tháng năm 2021 đạt 362.909.000 tấn tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển 06 tháng đầu năm 2021 đạt 12.406.000 teu, tăng 22% so với năm 2020.

Lượt tàu nước ngoài cập cảng 6 tháng đầu năm 2021 là 24.758 lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020; còn tàu Việt Nam xuất nhập cảnh đạt 3.070 lượt, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Hệ thống cảng biển của Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế và các CDC địa phương nên hệ thống cảng biển vẫn an toàn, chưa có trường hợp nào bị nhiễm Covid-19 làm cho cảng phải đóng cửa hoặc gián đoạn sản xuất, đây là một điều rất mừng cho hoạt động cảng biển Việt Nam.

Giữ an toàn cảng biển trước Covid-19 để tăng trưởng hàng hóa -0

PV: Việc đi giữa “lằn ranh” của phát triển kinh tế và bảo đảm an toàn cho các cảng biển, đâu là ưu tiên hàng đầu của ngành hàng hải, thưa ông?

Ông Hoàng Hồng Giang: Việc thực hiện “mục tiêu kép” không có nghĩa là đánh đổi sự an toàn phòng chống dịch bệnh tại cảng biển để đổi lấy sự tăng trưởng hàng hóa. Do đó, ngành hàng hải chúng tôi luôn ưu tiên chống dịch và bảo đảm an toàn của toàn bộ hệ thống cảng biển, không cho dịch lây lan trong hoạt động cảng biển.

Ngành hàng hải hai năm qua đã xây dựng và triển khai các kịch bản chống dịch để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh tế cảng biển. Nếu có ca F0 ở cảng, cả hệ thống đóng cửa dài ngày sẽ thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế. Mọi biện pháp chống dịch luôn được đặt ở mức cao nhất. Có biện pháp vừa chống dịch tốt nhưng phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Đến nay, các cảng biển Việt Nam đều thông thương hàng hóa thuận lợi và chưa có một cảng biển nào gặp tình huống bị nhiễm bệnh trong cảng, tê liệt hoạt động cảng biển như các quốc gia khác.

Hiện tại, trong khu vực quản lý của các đơn vị chưa phát hiện trường hợp công chức, viên chức của cơ quan quản lý nhà nước, thuyền viên làm việc trên tàu thuyền hoạt động tại cảng, người lao động tại cảng biển bị nhiễm virus. Có được kết quả này là sự cố gắng rất lớn của tất cả các lực lượng làm việc trong ngành hàng hải.

PV: Để phòng dịch xâm nhập từ biển, cần có sự vào cuộc liên ngành, trong đó ngành hàng hải là lực lượng chủ chốt. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của sự phối hợp liên ngành này?

Ông Hoàng Hồng Giang: Có thể nói đến nay công tác phối hợp của các cơ quan liên ngành tại cảng biển rất tốt. CDC địa phương, Bộ đội biên phòng, kiểm dịch, hoa tiêu, đại lý, tàu lai… đã phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, không cho dịch bệnh lây lan. Chúng ta đã thành công trong việc triển khai phòng chống dịch tại cảng biển.

Có nhiều tàu khi vào cảng biển Việt Nam có thuyền viên bị nhiễm covid-19, tuy nhiên nhờ có sự chủ động và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch do đó chúng ta đã đưa được các thuyền viên bị nhiễm covid lên bệnh việc điều trị, cách ly các thuyền viên đi trên tàu có thuyền viên bị nhiễm covid an toàn không để lây truyền dịch bệnh. Tàu thuyền vẫn được ra vào cảng biển làm hàng bình thường. Để làm được việc này đòi hỏi sự phối kết hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan, đơn vị có liên quan tại cảng.

Giữ an toàn cảng biển trước Covid-19 để tăng trưởng hàng hóa -0

PV: Để ngăn chặn dịch xâm nhập từ biển, ngành hàng hải đóng vai trò quan trọng. Hai năm qua, ngành hàng hải đã thực hiện những biện pháp gì để ngăn chặn dịch xâm nhập từ những con tàu, nhất là tàu vận chuyển hàng hải quốc tế đi qua nhiều quốc gia có dịch Covid-19?

Ông Hoàng Hồng Giang: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và Việt Nam đang có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng, nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn trong sản xuất kinh doanh, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, thông điệp 5K của Bộ Y tế, các hướng dẫn của Tổ chức hàng hải quốc tế IMO về phòng chống dịch trong lĩnh vực hàng hải để xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể cho đơn vị, bảo đảm không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong quá trình thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh trên các phương tiện, tàu biển, tại cảng biển.

Theo đó, Cục Hàng hải cũng yêu cầu các Hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quản lý, kiểm soát, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, thông điệp 5K của Bộ Y tế; Chủ động phối hợp với các Cảng vụ hàng hải và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương nhằm bảo đảm thuận lợi cho hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa và bảo vệ sức khỏe của công chức, viên chức, người lao động tại khu vực cảng biển.

Tuyên truyền, phổ biến, yêu cầu thuyền viên thực hiện nghiêm các quy định, các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu thực hiện nghiêm các hướng dẫn tại Quyết định số 2553/QĐ-BYT ngày 18/6/2020 của Bộ Y tế, Công điện số 600/CĐ-BCĐ ngày 05/5/2021 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt trong thời gian tàu hoạt động tại nước ngoài và các vùng có dịch. Theo đó, khi phương tiện, tàu thuyền hoạt động tại quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19, thuyền trưởng phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, không để thuyền viên đi bờ, không để những người không có nhiệm vụ từ trên bờ lên tàu; trong trường hợp thực sự cần thiết, phải được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền. Khi ra khỏi phương tiện, tàu biển, thuyền viên phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

p22-1625044077838.jpg

Khi phương tiện, tàu thuyền quay về Việt Nam, thuyền viên không được đi bờ, không để những người không có nhiệm vụ từ trên bờ lên tàu; trong trường hợp thực sự cần thiết, phải được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện kiểm dịch y tế, cách ly theo quy định.

Cục yêu cầu các Cảng vụ hàng hải tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các doanh nghiệp theo đúng các hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hiệp hội Hoa tiêu Hàng hải Việt Nam, Các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền nam và miền bắc, các tổ chức hoa tiêu hàng hải: chủ động xây dựng và thực hiện phương án bố trí hoa tiêu hàng hải phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị trong thời gian phòng, chống bệnh dịch Covid-19, đặc biệt phải có Phương án trong trường hợp đơn vị có cán bộ, hoa tiêu bị nhiễm hoặc phải cách ly bắt buộc do Covid -19... 

Đối với các tàu đi về từ vùng dịch, cảng vụ hang hải cùng các cơ quan liên quan đánh giá nguy cơ về dịch bệnh và có biện pháp chặt chẽ kiểm soát phòng chống dịch trước khi cho tàu vào cảng như phun khử khuẩn toàn bộ tàu, điều tra kỹ dịch bệnh trên tàu… trước khi cho tàu vào cảng.

Giữ an toàn cảng biển trước Covid-19 để tăng trưởng hàng hóa -0

PV: Theo quy định của Công ước Lao động Hàng hải 2006, thời gian làm việc trên tàu của thuyền viên không được quá 12 tháng. Nhưng do dịch Covid-19, nhiều thuyền viên đã làm việc quá thời gian quy định mà không được trở về bờ. Đến nay, có hàng nghìn thuyền viên quá thời hạn hợp đồng hoặc bị mắc kẹt ở nước ngoài không thể về nước. Chúng ta cần phải làm gì để tháo gỡ nút thắt này?

Ông Hoàng Hồng Giang: Đến hết năm 2020, Việt Nam hiện có khoảng 47 nghìn thuyền viên có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn để làm việc trên tàu biển. Nhằm bảo đảm mạch lưu thông hàng hóa, suốt một thời gian rất dài, nhiều thuyền viên chưa được về nhà, thậm chí chưa được đặt chân lên bờ khi tàu đến các cảng biển trên thế giới.

Theo báo cáo của các Cảng vụ hàng hải, Hiệp hội, doanh nghiệp tính đến thời điểm hiện tại có trên 1.500 thuyền viên đang bị mắc kẹt ở nước ngoài cần hỗ trợ hồi hương. Một số lượng lớn thuyền viên đang làm việc ở nước ngoài trên 12 tháng mà không thể thay thế và hồi hương.

Hiện nay, không chỉ chúng ta mà nhiều nước cũng gặp tình khó khăn, vướng mắc trong công tác hồi hương, thay thế thuyền viên do không có chuyến bay thương mại, chuyến bay giải cứu, hạn chế nhập cảnh, không cấp visa, thuyền viên muốn hồi hương phải hoàn cách ly ở nước sở tại, thời gian chờ đợi Đại sứ quán xét duyệt được hồi hương kéo dài, dẫn đến thuyền viên đã hết hạn hợp đồng nhưng khó về nước, bị kẹt lại ở nhiều nước trên thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã có các văn bản hướng dẫn việc kéo dài thời hạn tối đa không quá 03 tháng đối với các giấy chứng nhận của tàu, chứng chỉ của thuyền viên, Giấy khám sức khỏe và Hợp đồng lao động của thuyền viên theo đúng hướng dẫn của IMO và sẵn sàng hỗ trợ chủ tàu và thuyền viên trong trường hợp tàu bị lưu giữ ở nước ngoài do các khiếm khuyết liên quan đến covid-19.

Chúng tôi cũng rà soát, báo cáo Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quy trình cụ thể về việc thay thế thuyền viên (bao gồm thuyền viên Việt Nam và thuyền viên nước ngoài) tại các cảng biển Việt Nam. 

Đặc biệt, chúng tôi cũng đã có văn bản gửi Cục Lãnh sự, các thành viên IMO, Hiệp hội, doanh nghiệp vận tải biển, đại lý tàu biển, tổ chức quản lý và cung ứng thuyền viên để đề xuất, yêu cầu hỗ trợ cho thuyền viên, bao gồm đề xuất của Việt Nam gửi IMO ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho thuyền viên. 

Chúng tôi cũng đề nghị Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao giải quyết thủ tục nhập cảnh cho sĩ quan, thuyền viên Việt Nam hết hạn hợp đồng làm việc trên tàu và chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước xem xét đưa thuyền viên Việt Nam hết hạn hợp đồng đang mẳc kẹt ở nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay của Chính phủ Việt Nam.

Ngoài ra, chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải có ý kiến với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho chủ tàu Việt Nam được lựa chọn chế độ cách ly thuyền viên tập trung không mẩt phí. Trong trường hợp có thu phí đề nghị quy định giới hạn mức phí phù hợp với điều kiện thực tế, và khả năng chi trả của doanh nghiệp tránh tình trạng thuyền viên phải thực hiện chế độ cách ly ở các khách sạn với mức chi phí quá cao.

p4-1625041530042.jpg

PV: Cuộc chiến chống dịch Covid-19 sẽ còn dài hơi khi chúng ta chưa có được vũ khí hiệu quả để tiêu diệt virus. Cục Hàng hải Việt Nam có đề xuất gì để ngành vận tải hàng hải vốn đã khởi sắc thì sẽ tiếp tục thành công hơn, trở thành một mũi nhọn điển hình trong việc thực hiện “mục tiêu kép”?

Ông Hoàng Hồng Giang: Nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, các cơ quan, đơn vị liên quan ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao trong ngành hàng hải, đặc biệt xem xét ưu tiên tiêm cho toàn bộ những người phải làm việc trực tiếp trên tàu như thuyền viên, công nhân bốc xếp, nhân viên làm việc trực tiếp trên tàu và người lao động tại khu vực cảng biển. 

Tăng cường, bổ sung lực lượng, trang thiết bị cho cơ quan kiểm dịch y tế tại các khu vực tỉnh, thành phố có cảng biển nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm dịch y tế, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm từ thuyền viên. 

Bộ Ngoại Giao, Bộ Y tế và các CDC hỗ trợ việc thay thế thuyền viên cho các tàu để bảo đảm cho tàu được hoạt động liên tục và thống nhất quy trình cách ly thuyền viên để vừa phòng chống dịch vừa kinh tế và khuyến khích thuyền viên làm việc trên tàu.

Xin cảm ơn ông Hoàng Hồng Giang!

Giữ an toàn cảng biển trước Covid-19 để tăng trưởng hàng hóa ảnh 9

Ngày xuất bản: 30-06-2021

Chỉ đạo nội dung:  NGỌC THANH

Thức hiện nội dung: HỒNG VÂN - BÍCH NGỌC

Đồ hoạ & kỹ thuật: NGUYỄN ĐĂNG 

Ảnh: THẢO LÊ - LAM TRẦN