Giới thiệu về hồ Hoàn Kiếm trong quá trình giao lưu văn hóa Đông-Tây

Hồ Hoàn Kiếm được coi là trái tim của Thủ đô Hà Nội. Từ một không gian đậm chất truyền thống, người Pháp đã quy hoạch, xây dựng lên những kiến trúc mới, biến khu vực hồ thành một “giao lộ Đông-Tây”. Công chúng sẽ có dịp tìm hiểu về “giao lộ” này qua triển lãm “Hồ Gươm, Giao lộ Đông-Tây”.
Các đại biểu tham quan những hình ảnh, tư liệu về hồ Hoàn Kiếm trong quá trình giao lưu văn hóa.
Các đại biểu tham quan những hình ảnh, tư liệu về hồ Hoàn Kiếm trong quá trình giao lưu văn hóa.

Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023), chiều 6/10, tại Trung tâm Thông tin, văn hóa hồ Gươm (phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức trưng bày tư liệu lưu trữ với chủ đề “Hồ Gươm, Giao lộ Đông-Tây”.

Hồ Hoàn Kiếm (hay hồ Gươm) là dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô.

Với vị trí đắc địa, sau khi chiếm Hà Nội, hồ Gươm đã được người Pháp lựa chọn để trở thành trung tâm trong công cuộc chỉnh trang thành phố Hà Nội vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, hồ Hoàn Kiếm trở thành một giao lộ - điểm nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông-Tây, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố cổ, với kiến trúc truyền thống ở phía bắc và khu phố Pháp ở phía nam.

Bên cạnh với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có nhiều điều mới mẻ. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội ngày nay.

Hơn 100 tài liệu, hình ảnh, bản vẽ về đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội nói chung và người dân khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm nói riêng, các công trình do người Pháp xây dựng cùng nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa được thể hiện qua ba chủ đề: Quá trình thay đổi diện mạo hồ Gươm; Bảo tồn không gian văn hóa lịch sử hồ Gươm; Hồ Gươm - Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí.

Các tài liệu cho thấy, dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, hồ Hoàn Kiếm vẫn luôn đóng vai trò là trung tâm trong sự phát triển của Hà Nội, nơi chứng kiến những thăng trầm lịch sử của thành phố và người dân Thủ đô.

Thông qua trưng bày, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I mong muốn công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về sự tiếp biến cảnh quan, không gian lịch sử-văn hóa hồ Hoàn Kiếm trong những năm đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX.

Triển lãm “Hồ Gươm, Giao lộ Đông-Tây” diễn ra từ nay đến hết ngày 31/10.