Giới thiệu cuốn sách “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”

NDO - Qua cuốn sách, bức tranh về một Hội An bình yên, thân thuộc nhưng cũng thật ấm áp, mến khách được hiện lên, như muốn níu chân du khách ở lại lâu hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Cuốn sách “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An” vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành.
Cuốn sách “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An” vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành.

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa cho ra mắt cuốn sách Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An của các tác giả Nguyễn Thái Bình và Phạm Hoàng Hải.

Hội An là một đô thị cổ xinh đẹp có bề dày lịch sử hàng trăm năm tuổi với những quần thể di tích kiến trúc đa dạng, được ví như “bảo tàng sống” về lịch sử, kiến trúc và văn hóa bản địa độc đáo, được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến ngày nay. Đó là lý do Hội An là một trong những điểm du lịch hấp dẫn tại Việt Nam, được nhiều du khách coi là điểm dừng chân hấp dẫn “nhất định phải đến”.

Ngày 4/12/1999, Tổ chức UNESCO vinh danh Hội An vào danh mục Di sản văn hóa thế giới với đánh giá: “Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế; là một điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn tốt. Nét độc đáo của đô thị lịch sử, văn hóa Hội An hay đô thị sinh thái Hội An chính là phải hiểu theo góc độ sinh thái-nhân văn”.

Trải qua hàng trăm năm với những thăng trầm, biến động của lịch sử, kinh tế, xã hội, thời cuộc đã góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, sự đa sắc trong phong tục tập quán, văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống... của Hội An, để từ một thương cảng từng bị quên lãng, thì nay Hội An đã trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Cuốn sách Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An góp thêm một nét phác họa nhằm hoàn thiện hơn bức tranh về lịch sử và văn hóa Hội An vẫn đang còn nhiều chi tiết “dang dở”, khi mà viết về Hội An cũng là một “thử thách” không đơn giản, bởi các giá trị văn hóa Hội An ẩn sau các công trình kiến trúc, quyện trong cuộc sống bình dị của người dân địa phương.

Qua cuốn sách, bức tranh về một Hội An bình yên, thân thuộc nhưng cũng thật ấm áp, mến khách được hiện lên, như muốn níu chân du khách ở lại lâu hơn, và rồi khi “Từ Hội An trở về, cuốn sách chính là những hồi ức để hình ảnh thành phố di sản này vẫn lắng đọng đầy hoài niệm trong bạn. Rất có thể, bạn sẽ thấy nuối tiếc vì đã không lưu lại phố Hội lâu hơn, và biết đâu một ngày nào đó, bạn sẽ trở lại Hội An một lần nữa. Lúc đó, xin đừng quên bạn đã có sẵn trong tay một Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”, đúng như lời nhắn nhủ của các tác giả tới bạn đọc trong cuốn sách.

Trong số 9 bài viết, các tác giả dành những trang viết đầu tiên cho Phố cổ Hội An, điểm lõi của Hội An, để người đọc biết được ở đó có những gì để cả thế giới phải tìm đến, để UNESCO phải dày công nghiên cứu, xét duyệt và đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới.

Người đọc sẽ được dạo bước trên những con phố cổ, trải nghiệm cảm giác thư thái lạ lùng, và để rồi cảm thấy “như thể đang đi lạc vào một câu chuyện cổ tích giản dị, ngược dòng thời gian hàng vài trăm năm trước đây”, như được “trở về” thương cảng Hoài Phố sầm uất năm xưa.

Những ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương phủ đầy rêu phong, với các hàng cột gỗ và các xà, kèo dọc ngang, sâu hun hút nhưng luôn mở rộng cửa và du khách hoàn toàn có thể bước vào bất cứ ngôi nhà nào cửa còn để ngỏ, thân tình bắt chuyện với một cụ già hay một người chủ quán.

Ngắm nhìn, dạo chơi phố cổ Hội An lên đèn lúc chiều muộn, khi ánh mặt trời dần tắt hẳn cũng đem đến một trải nghiệm thật khác lạ và thích thú. Khi đó, “hàng trăm chiếc đèn lồng bọc lụa màu treo rải rác khắp nơi tỏa ra các vùng sáng nhỏ để du khách tự tin bước đi trên đường… Đâu đó phía xa là ánh sáng mờ mờ hắt ra từ các ngôi nhà đã khép cửa, từ các ngõ nhỏ đã vắng người qua lại”.

Giới thiệu cuốn sách “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An” ảnh 1

Qua cuốn sách, bức tranh về một Hội An bình yên, thân thuộc nhưng cũng thật ấm áp, mến khách được hiện lên, như muốn níu chân du khách ở lại lâu hơn.

Và nếu có dịp tới phố cổ Hội An vào thời điểm này thì du khách có lẽ cũng nên một lần nghe theo lời khuyên của các tác giả: “không gì thú vị hơn là ngồi trong một căn nhà gỗ nhỏ, thưởng thức các đặc sản của địa phương, vừa ăn vừa trò chuyện với gia đình chủ quán về một thời xa xưa nửa nhớ nửa quên, hoặc leo qua các thang gỗ hẹp lên trên lầu thưởng trà và nhìn ngắm con đường nhỏ đầy du khách tản bộ phía dưới, những ô cửa sổ hẹp le lói ánh đèn, những dãy mái ngói âm u tối”.

Cùng với những con phố hẹp cũ kỹ, các ngôi nhà cổ, những đền miếu, hội quán và quán ăn giản dị, chính những con người sinh sống hằng ngày nơi đây, những người dân Hội An mà ta gặp trên phố, cũng có một điều gì đó rất hòa quyện với không gian kiến trúc và vẻ đẹp tâm linh của đô thị cổ này. Có người nói, Hội An đẹp nhưng bé xíu như lòng bàn tay, bé đến mức khám phá Hội An chỉ cần một ngày. Nhận định này có lẽ chỉ đúng khi khám phá Hội An qua con mắt thường. Trong khi đó, có người lại cho rằng, khám phá Hội An phải cần cả một đời, bởi Hội An nhỏ mà sâu. Đây có lẽ là nhận định được đưa ra từ một người đã từng cảm nhận, khám phá Hội An từ trái tim, từ toàn bộ các giác quan của họ.

Với Chùa Cầu - di sản được xem là “biểu tượng” của Hội An, không chỉ được các tác giả “vẽ” lại những nét kiến trúc độc đáo mà còn làm rõ lịch sử, nội hàm văn hóa của cây cầu do các thương nhân người Nhật khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Từ đó, giúp người đọc mở rộng tầm mắt ra khu phố Nhật Bản đã từng hiện diện một thời huy hoàng trong ký ức Hội An xưa, là minh chứng cho những dấu tích, dấu ấn và sự ảnh hưởng của người Nhật trên đất Hội An vẫn còn đến ngày nay.

Không chỉ người Nhật, người Hoa đã có ảnh hưởng sâu đậm lên đời sống văn hóa Hội An trong quá trình buôn bán, sinh sống và định cư ở vùng đất này. Điều đặc biệt là, cuối cùng họ đã hoàn toàn gia nhập cộng đồng dân cư địa phương. Họ tậu đất, lập ra xã Minh Hương, mở phố xá, xây dựng chùa, miếu, hội quán và cho đến ngày nay nhiều di tích trong số đó vẫn còn tồn tại, trở thành một trong những nét văn hóa đặc trưng của Hội An.

Bên cạnh phố cổ Hội An nhộn nhịp, các tác giả cũng đưa người đọc khám phá Cù Lao Chàm, cụm đảo sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, yên bình nằm cách Hội An 16km về hướng đông - đông bắc. Đến đây, du khách được tìm hiểu hệ sinh thái, có thêm những hiểu biết về chim yến, loài chim quý chọn nơi đây là nơi tụ cư, về giá trị dinh dưỡng của yến sào và nghề khai thác yến sào ở làng Thanh Châu, hay tìm hiểu về nền văn hóa Chămpa đã từng phát triển rực rỡ suốt nhiều thế kỷ trên dải đất miền Trung đầy nắng gió này…

Còn rất, rất nhiều những nét văn hóa đặc sắc mà bạn đọc có thể khám phá Hội An qua cuốn sách Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An. Trong những trang viết cuối của sách, các tác giả viết: “Hội An là những gì cổ kính nhất, mộc mạc nhất, trầm lắng nhất của một không gian Việt Nam với những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo nối đuôi nhau chạy dài như bất tận, nơi đây đã lưu giữ gần như trọn vẹn những nét văn hóa mang đậm dấu ấn phương Đông”, và đó cũng chính là những điều mà người đọc cảm nhận được trọn vẹn qua toàn bộ hơn 200 trang sách. Với những điều thú vị, cuốn hút mà các tác giả mang đến, chúng ta sẽ thực sự nhận ra đây là điểm đến mà ai cũng muốn quay lại và thực sự xác tín đúng ý nghĩa “chữa lành”.