Cơ quan Quản lý thảm họa và cứu hỏa Nhật Bản ngày 11/7 cho biết, mưa lớn tại khu vực tây nam nước này đã gây ngập úng và sạt lở nghiêm trọng, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng, 5 người mất tích và 19 người bị thương.
Trong đó, 4 trường hợp tử vong được ghi nhận tại vùng Kyushu, 2 trường hợp còn lại tại vùng Chugoku.
Từ đầu tháng 7/2023, vùng Kyushu liên tục hứng chịu mưa lớn và ghi nhận lượng mưa cao kỷ lục vào ngày 10/7 vừa qua.
Đầu tuần này, Cơ quan Dự báo thời tiết Nhật Bản đã ban bố cảnh báo khẩn cấp về mưa lớn đối với các tỉnh Fukuoka và Oita. Cơ quan này đánh giá mưa lớn như vậy chưa từng xuất hiện, đồng thời yêu cầu người dân cảnh giác tối đa trước tình hình mưa lũ hiện nay.
Người dân lội qua tuyến phố bị ngập tại thành phố Kurume, tỉnh Fukuoka, ngày 10/7/2023. (Ảnh: Kazuhiro Nogi/Getty Images) |
Tuy nhiên, Nhật Bản hiện không phải là quốc gia duy nhất phải hứng chịu tình cảnh mưa lớn bất thường này.
Mưa dữ dội cũng đang xuất hiện tại miền bắc Ấn Độ, gây lũ quét và sạt lở, cướp đi tính mạng của ít nhất 12 người. Ngày 9/7 là ngày Delhi ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong hơn 40 năm qua, với 153mm/ngày.
Tại Hàn Quốc, mưa lớn xuất hiện tại nhiều khu vực trên cả nước. Giới chức nước này ghi nhận 1 cụ bà đang mất tích và hơn 40 người đã được di dời đến nơi an toàn.
Sáng nay, cảnh báo mưa lớn đã được ban bố tại các khu vực ven biển phía đông nam và tây nam Hàn Quốc.
Tại Mỹ, mưa lớn và lũ quét đã khiến ít nhất 1 người thiệt mạng tại New York. Ngày 11/7, hơn 4 triệu người khác tại khu vực đông bắc nước này, trong đó có New York, Vermont, Massachusetts và Maine, được đặt trong tình trạng cảnh báo xảy ra ngập úng.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang Vermont trong bối cảnh các đợt mưa xối xả gây lũ lụt nghiêm trọng. Quyết định này giúp giải ngân các quỹ hỗ trợ để thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ.
Bãi đỗ xe tại hạt Orange, New York, Mỹ, ngày 9/7/2023. (Ảnh: Reuters) |
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang trải qua đợt mưa lũ bất thường, ông Richard Allan, Giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Reading (Vương quốc Anh) cho rằng: “Cường độ ngày càng tăng của các trận mưa lớn và lũ lụt liên quan, chẳng hạn như những trận mưa chúng ta đang chứng kiến, là hậu quả đã được dự báo khi khí hậu nóng lên do lượng khí nhà kính mà chúng ta thải ra".
Ông Stefan Uhlenbrook, Giám đốc Thủy văn, Nước và Băng quyển của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), cũng đưa ra ý kiến, khi hành tinh ấm lên, chúng ta sẽ chứng kiến “các trận mưa ngày càng dữ dội hơn, thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn, dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng hơn".
Ông Uhlenbrook cho biết thêm, không thể nói chính xác các trận mưa lớn sẽ xảy ra khi nào và ở đâu, nhưng điều rõ ràng là mức độ tổn thương của các xã hội sẽ khác nhau, các nước nghèo hơn thường dễ bị tổn thương hơn.
"Các quốc gia như Nhật Bản cảnh giác rất cao và họ cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng khi đề cập đến các biện pháp phòng chống lũ lụt. Vì vậy, ngay cả khi lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, họ vẫn có thể xử lý tốt hơn nhiều so với các quốc gia có thu nhập thấp, nơi không có cảnh báo, không có công trình phòng chống lũ lụt và không có kế hoạch quản lý lũ lụt nhất quán", ông Uhlenbrook nói.