Gìn giữ nét đẹp của lễ hội mùa xuân

Mỗi độ xuân về, không chỉ hòa mình vào không khí lễ, Tết, nhiều người Việt Nam vẫn không quên lên chùa thắp nhang, cầu cho mình và người thân sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc.
0:00 / 0:00
0:00
Khai hội Gò Đống Đa. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Khai hội Gò Đống Đa. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Việc đi lễ chùa còn giúp người dân giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn ông bà tổ tiên, hướng con người tới chân-thiện-mỹ, làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội. Bởi vậy lễ chùa đầu năm không chỉ là nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh mà còn mang một giá trị nhân văn cao cả.

Đi lễ chùa trong những ngày Tết đến, xuân về là việc làm mà gia đình ông Trần Đức, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) duy trì từ nhiều năm nay. Ông Đức cho hay: “Mỗi khi đi lễ chùa, tôi thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, mọi muộn phiền, lo âu của cuộc sống dường như được hóa giải. Thắp nén hương thơm với lòng thành kính cầu may mắn, sức khỏe cho gia đình, cầu cho năm mới mọi người được bình an, con cái chăm ngoan, học giỏi”.

Bà Thu Hạnh, năm nay đã hơn 70 tuổi, sống tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, năm nào cũng vậy, sau khi hoàn tất nghi lễ cúng gia tiên, cúng thần linh, tại gia đình, việc làm đầu tiên trong năm mới của gia đình bà là đến chùa Hương làm lễ. Đây là dịp để bà cũng như người thân mong tìm được sự thanh tịnh và hướng những việc cần phải làm cho năm mới. “Với quan niệm đi lễ chùa ngay sau thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ giúp gia đình có được sự an lạc, cả năm may mắn, tôi muốn các con, các cháu biết được điều này, để chúng biết trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Còn đối với các bạn trẻ, đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà còn là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc.

Bạn Thu Trang, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: Vào sáng sớm ngày mồng 1 của năm mới, tôi và các anh chị em trong gia đình thường đi lễ chùa, trước là để vãn cảnh, sau là cầu mong cho bản thân, gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thuận hòa, mọi sự được hanh thông. “Hòa mình vào không gian linh thiêng nơi cửa Phật, tôi tìm được chút thư thái cho tâm hồn sau một năm học tập và làm việc bận rộn, đồng thời thêm hiểu biết về nét văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nét đẹp ấy”, bạn Thu Trang bày tỏ.

Tuy nhiên thời gian qua, từ thực trạng của hoạt động lễ hội, dường như tấm lòng thành kính và các giá trị văn hóa thiêng liêng đã ít nhiều bị suy giảm trước sự xâm lấn của yếu tố xã hội hóa, thương mại hóa và các hiện tượng tiêu cực khác.

Thực trạng việc tổ chức, quản lý, bảo tồn các lễ hội của nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập. Hằng năm, các lễ hội lớn, như: Chùa Hương, Gò Đống Đa (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Đền Hùng (Phú Thọ), Đền Trần và phủ Giầy (Nam Định)… thập phương hành hương dự lễ, nhưng trong đó không ít người còn chưa thật sự hiểu việc hành lễ là ai, ý nghĩa của lễ hội là gì, cần phải ứng xử ra sao. Đó chính là nguyên nhân khiến lễ hội Đền Trần chưa năm nào thoát khỏi cảnh du khách ùn ùn kéo đến xin ấn, thậm chí “cướp ấn” vì lầm tưởng có ấn này sẽ được thăng quan, tiến chức.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến quan niệm lệch lạc, đã dự lễ hội là phải quyên tiền công đức, nếu không sẽ mắc tội với thánh thần. Tại chùa Hà (Hà Nội) cũng vậy, bên khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh là tình trạng lập nhiều ban thờ, đặt nhiều hòm công đức, nhiều khay, đĩa, để tiền giọt dầu… làm giảm yếu tố tâm linh, coi nặng giá trị vật chất, gây phản cảm trong sinh hoạt xã hội.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, để hoạt động văn hóa trong không gian lễ hội cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng phát triển đúng định hướng, tạo nên môi trường văn hóa lễ hội lành mạnh, góp phần khai thác tiềm năng kinh tế-văn hóa du lịch, đồng thời khơi dậy và tạo ra những tiềm năng kinh tế mới, các địa phương cần thực hiện nghiêm Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 15/1/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2024, theo tinh thần tiết kiệm, trang trọng, hiệu quả, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; phù hợp thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và du lịch trên địa bàn thành phố...

Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng lối sống, ứng xử văn minh trong gia đình, cộng đồng và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng và nhân rộng những mô hình điểm, giảm bớt những hiện tượng phản cảm trong văn hóa ứng xử, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội…

Các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tạo sự chuyển biến nhận thức về nội dung và ý nghĩa hoạt động lễ hội; có biện pháp quản lý chặt chẽ việc quy hoạch, sắp xếp các dịch vụ, các hoạt động vui chơi giải trí hợp lý, không để nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, đánh mất bản sắc văn hóa và mục đích tốt đẹp của lễ hội. Khuyến khích những sáng tạo mới trên nền truyền thống để luôn luôn có cái mới gắn với nhịp sống văn hóa của thời đại, làm cho lễ hội thêm sức sống mới, phù hợp nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.