Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cùng các cấp, ngành và chính quyền địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp Trường Năng khiếu nghệ thuật và Thể dục thể thao tỉnh mở rất nhiều lớp truyền dạy cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ đồng bào dân tộc Khmer sống trên địa bàn. Hoạt động này không chỉ nhằm giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào Khmer địa phương, mà còn tạo điểm nhấn đưa du lịch tỉnh Vĩnh Long đến với du khách trong nước và quốc tế.
Nỗ lực trao truyền các loại hình nghệ thuật truyền thống
Ba năm qua, Trường Năng khiếu nghệ thuật và Thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp các đơn vị liên quan và nhà chùa trên địa bàn tỉnh mở 14 lớp dạy múa và nhạc của đồng bào dân tộc Khmer, thu hút hàng trăm học viên theo học. Qua đó, nhiều người đã biết và thành thạo các loại hình nghệ thuật của đồng bào.
Để lớp học diễn ra thuận lợi, Trường Năng khiếu nghệ thuật và Thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Long phối hợp Ban quản trị chùa Cũ, ấp Trà Sơn, xã Hựu Thành mở lớp dạy học. Nhờ vậy, lớp học được nhà chùa hỗ trợ khá đầy đủ về cơ sở vật chất. “Nhà chùa luôn tạo điều kiện thuận lợi để các em vui học.
Các sư, đồng bào Khmer và Ban quản trị chùa rất vui khi được Nhà nước tổ chức lớp học này nhằm giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Các sư trong chùa thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở học viên cố gắng học tập để bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer”- Đại đức Thạch Đom Ra, sư cả chùa Cũ cho biết.
Để bảo đảm chất lượng dạy và học, Trường Năng khiếu nghệ thuật và Thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Long đã thỉnh giảng các thầy cô Trường đại học Sư phạm tỉnh Trà Vinh đến giảng dạy cho các học viên. Thầy Thạch Hoài Thanh, giáo viên thỉnh giảng cho hay: “Mặc dù bận nhiều việc tại đơn vị, nhưng tôi vẫn luôn tranh thủ thời gian đến Vĩnh Long giảng dạy với mong muốn truyền đạt, phổ biến kiến thức văn hóa cho đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Vĩnh Long. Tôi rất vui khi được tham gia lớp dạy đàn cho con em đồng bào. Các học viên rất tích cực khiến tôi càng có thêm động lực để truyền đạt kiến thức”.
Về phía nhà trường, Phó Hiệu trưởng Trường Năng khiếu nghệ thuật và Thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Ngọc Thanh cho biết: “Hoạt động sinh hoạt cộng đồng cũng như các loại hình văn hóa, văn nghệ và nhạc cụ của đồng bào dân tộc đều được đưa vào chương trình dạy và được chia ra hằng năm nhằm làm phong phú cho chương trình. Năm nay là Chòm Riêng Cha Pây, năm sau là nhạc ngũ âm. Toàn tỉnh có 13 chùa sẽ được truyền dạy hết trong những năm tiếp theo”.
Chòm Riêng Cha Pây là một loại hình nghệ thuật trình diễn độc xướng, đàn và hát dân gian (giống như hát xẩm), được hình thành từ lâu đời, phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng người Khmer ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bài biểu diễn không chỉ là những tác phẩm đã soạn sẵn, mà còn do nghệ nhân ngẫu hứng sáng tác nhanh tại chỗ để độc diễn.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của loại hình nghệ thuật này, năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa nghệ thuật Chòm Riêng Cha Pây vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, nhờ làm tốt công tác bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa văn nghệ, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 43 Nghệ nhân Ưu tú được công nhận, trong đó có nhiều nghệ nhân gắn với những loại hình độc đáo của đồng bào Khmer có nguy cơ bị mai một.
Gắn kết phát triển cùng du lịch
Văn hóa Khmer Nam Bộ từ lâu đã trở thành một nét bản sắc của vùng đất Vĩnh Long. Hai huyện Trà Ôn và Tam Bình là các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Với sự độc đáo và giá trị văn hóa đặc sắc, đây chính là nguồn tài nguyên quý báu để phát triển loại hình du lịch văn hóa, góp phần đưa Vĩnh Long trở thành một trong những điểm đến nổi bật của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, mỗi ngôi chùa Khmer đều là nơi sinh hoạt cộng đồng của đồng bào địa phương. Đây không chỉ là nơi lưu giữ giá trị tâm linh mà còn là trung tâm văn hóa, nghệ thuật độc đáo. Đặc biệt, nền ẩm thực Khmer đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự khác biệt cho trải nghiệm du lịch.
Trong mỗi ngôi chùa hay ở các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống đều có các đội hoặc câu lạc bộ văn hóa văn nghệ. Ngoài việc phục vụ sinh hoạt cộng đồng, các câu lạc bộ này còn phục vụ các chương trình văn hóa, văn nghệ của huyện, tỉnh tổ chức.
Nghệ nhân Ưu tú Thạch Đường, ngụ ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình chia sẻ: “Tôi đam mê ca hát khi lên 10 tuổi. Từ nhỏ đã lặn lội tìm đến các bậc tiền bối học âm nhạc, đặc biệt là nhạc cụ của đồng bào dân tộc Khmer. Đến nay đã gần 70 tuổi, nhưng tôi vẫn đam mê ca hát. Ngoài việc truyền dạy cho các thế hệ trẻ, tôi còn tham gia thành lập nhiều câu lạc bộ ca hát của xã. Nhiều năm liền tôi cùng anh em trong đội đại diện cho tỉnh Vĩnh Long tham gia thi diễn trong khu vực và toàn quốc đều lãnh giải cao…”.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu, việc khai thác văn hóa Khmer Nam Bộ trong phát triển du lịch không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống.
Các hoạt động du lịch đã tạo cơ hội cho người dân địa phương tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa cho thế hệ mai sau. Đề án Du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ sau ba năm triển khai, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của việc khai thác văn hóa Khmer trong phát triển du lịch.
Năm 2024 vừa qua, tổng lượt khách đến Vĩnh Long ước đạt gần 2 triệu lượt (tăng gần 25% so với năm 2023), trong đó khách quốc tế đạt hơn 50.000 lượt (tăng hơn 20.000 lượt so với năm 2023), doanh thu ước đạt 991,2 tỷ đồng (tăng 39% so với năm 2023).
Có thể nói, việc tăng cường quan tâm giữ gìn và phát huy văn hóa Khmer không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn di sản, mà còn tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm du lịch Vĩnh Long, giúp tỉnh định vị rõ nét hơn trên bản đồ du lịch quốc gia.