Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Nhà vật lý luôn đau đáu vấn đề bảo vệ môi trường

NDO -

Trong ký ức của doanh nhân Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec (Hải Phòng), Giáo sư, Viện sĩ Nguyên Văn Hiệu khiến mọi người cảm phục không chỉ bởi tài năng của ông, mà còn bởi tinh thần làm việc và cống hiến hết mình cho cộng đồng, nhất là trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu trong một chuyến kiểm tra, đánh giá hiệu quả mô hình xử lý rác thải nông thôn xây dựng khu dân cư xanh tại huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng.
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu trong một chuyến kiểm tra, đánh giá hiệu quả mô hình xử lý rác thải nông thôn xây dựng khu dân cư xanh tại huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng.

Nhắc đến Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, ký ức về những ngày gặp gỡ, đồng hành cùng ông trong các đề tài, dự án vì môi trường lại ùa về nơi doanh nhân Phạm Hồng Điệp, người đoạt Giải đặc biệt dành cho Nhà hoạt động bảo vệ môi trường xuất sắc tại Lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014.

Một tấm lòng luôn hướng về cộng đồng

Nói về ấn tượng đầu tiên khi gặp gỡ Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, doanh nhân Phạm Hồng Điệp chia sẻ đó là một người tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn và say sưa với những công việc mình đang làm cho khoa học, đồng thời rất tâm huyết với các dự án môi trường vì cộng đồng.

“GS Hiệu từng nói, là một nhà khoa học lĩnh vực vật lý điện tử, nhưng môi trường đang bị suy thoái nghiêm trọng, vì vậy ông muốn đưa các đề tài khoa học môi trường gắn với vấn đề xã hội để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của con người trong bảo vệ môi trường”, doanh nhân Phạm Hồng Điệp nhớ lại.

Những lời tâm sự ấy của GS Hiệu đã tác động rất lớn đến người doanh nhân thành phố Cảng. Tại sao một Viện sĩ tuổi cao lại có tinh thần làm việc và cống hiến hết mình cho cộng đồng như vậy? Trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay ra sao khi mà đi đến đâu rác thải nhựa, rác thải nông thôn còn chất đống và gây ô nhiễm, ít có biện pháp xử lý?

“Viện sĩ đã đi khắp đất nước từ Đồng bằng sông Cửu Long đến Tây Nguyên, dọc theo các tỉnh miền Trung rồi lại lên Tây Bắc. Đi đâu Viện sĩ cũng đưa đề tài xây dựng khu dân cư xanh và hướng dẫn nhiệt tình các nơi làm để giảm phát thải”, doanh nhân Phạm Hồng Điệp chia sẻ, trong lời nói không giấu sự cảm phục dành cho một nhà khoa học dù tuổi đã cao nhưng vẫn luôn tìm tòi, học hỏi và cống hiến cho xã hội.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Nhà vật lý luôn đau đáu vấn đề bảo vệ môi trường -0
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu trong một chuyến kiểm tra, đánh giá hiệu quả mô hình xử lý rác thải nông thôn xây dựng khu dân cư xanh tại huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng. 

Ông nhớ lại chuyến đồng hành cùng GS Hiệu về kiểm tra, theo dõi việc thực hiện dự án xây dựng khu dân cư xanh tại xã Phục Lễ, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng. Viện sĩ đã đến từng nhà, thăm từng mô hình, hỏi xem bà con nhân dân đã học thuộc, đã có ý thức thu gom rác thải chưa, có quyết tâm làm xanh, sạch, đẹp cho quê hương không, và hiểu được lợi ích của việc làm bảo vệ môi trường này không. Sự quan tâm ân cần ấy đã làm cho bà con cảm động và đặt câu hỏi: “Cụ ơi, cụ già thế này rồi cụ còn đi kiểm tra, hướng dẫn mọi người làm để làm gì?”. Viện sĩ đáp: “Tôi chỉ muốn mọi người được sống và hưởng môi trường sạch sẽ, đơn giản chỉ có như vậy”.

Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình với GS Hiệu, doanh nhân Phạm Hồng Điệp cho biết đó là khi ông hoàn thành công trình khu dân cư xanh trên diện rộng 5 xã tại huyện Thuỷ Nguyên. Về thẩm định và nghiệm thu, đứng trước hàng nghìn người dân trong hội trường, Viện sĩ phát biểu và đã chảy nước mắt với câu nói: “Đây là sự thành công ngoài mong đợi, tôi rất mong bà con hãy duy trì và truyền lại cho con cháu giữ được môi trường sống của mình... Cả quãng đời còn lại, tôi sẽ chỉ theo khoa học môi trường này bà con nhé”.

“Giọng Viện sĩ lúc ấy rung lên. Ông lấy khăn lau nước mắt, giọt nước mắt của người làm khoa học khi nhìn thấy thành quả, đó là ấn tượng sâu sắc nhất mà đến nay tôi còn ghi nhớ mãi”, doanh nhân Phạm Hồng Điệp bồi hồi kể lại.

Người truyền lửa bảo vệ môi trường

Năm 2014, ông Phạm Hồng Điệp được trao giải Đặc biệt – Giải thưởng Nhân tài Đất Việt dành cho Nhà hoạt động bảo vệ môi trường xuất sắc, đi tiên phong vận động chính quyền và nhân dân xây dựng khu dân cư xanh tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Đây là sự ghi nhận xứng đáng dành cho những nỗ lực miệt mài, sự quyết tâm cao độ cùng biết bao công sức của người doanh nhân thành phố Cảng, tất cả chỉ vì một mục tiêu xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho cộng đồng.

Ông Phạm Hồng Điệp cho biết, chính sự chân thành, nhiệt tâm và nghiêm túc trong giải quyết các vấn đề môi trường của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã truyền cảm hứng, thôi thúc ông quyết tâm thực hiện thành công dự án này.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Nhà vật lý luôn đau đáu vấn đề bảo vệ môi trường -0
 Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu và doanh nhân Phạm Hồng Điệp tại Lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014.

“Tôi làm đề tài theo gợi ý của Viện sĩ trong 2 năm. Để thực hiện thành công ý tưởng này, tôi đã đến gặp nhiều giáo sư đầu nghành của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam trên các lĩnh vực hóa, vi sinh , công nghệ môi trường để có được các vi sinh, các loại men vi sinh áp dụng cho phân huỷ rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ dùng bón cho cây trồng, dùng phân hữu cơ kết hợp với phân bò để nuôi giun quế đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông nghiệp, rồi tái sử dụng chất thải rắn để thành nguyên liệu cho sản xuất...Tất cả các chất thải sinh hoạt được xử lý một cách triệt để khoa học”, vị doanh nhân chia sẻ.

Ông kể, khi hoàn thành đề tài, GS Hiệu đã nói: “Tôi không ngờ một doanh nhân Hải Phòng lại quyết tâm làm được một cách khoa học, bài bản đi vào lòng dân để nhân dân đồng thuận thực hiện, rồi các chủng vi sinh của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nghiên cứu bao lâu nay được đem thực nghiệm thành công với phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt không gây ô nhiễm môi trường”.

“Chỉ cần câu động viên như vậy thôi mọi sự mệt mỏi đều tan biến đi đâu mất”, ông Phạm Hồng Điệp nói, và cho biết thời gian sau đó, GS Hiệu tiếp tục dành cho ông những tình cảm chân tình như khuyến khích ông làm luận án tiến sĩ về môi trường, xây dựng hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp , hiện thực hoá một số công trình nghiên cứu của các giáo sư trong Viện Hoá học, Viện Sinh học để sản xuất ra sản phẩm phục vụ đời sống…

“Có rất nhiều buổi trò chuyện mà Viện sĩ là người luôn nhắc tôi làm gì cũng phải đam mê mới có thành quả. Tôi sẽ thực hiện tốt các di nguyện của Viện sĩ và phấn đấu hơn nữa trên con đường nghiên cứu khoa học theo đúng nghĩa thực làm thực học”, doanh nhân Phạm Hồng Điệp cho hay.