Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Vinh, Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Viện Pháp tại Việt Nam, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Aix Marseille, Pháp và Tổ chức The HEAD Foundation, Singapore đánh giá lại một cách khái quát, chân thực về những thành tựu văn hóa, giáo dục Pháp-Việt-Nhật trong tiến trình lịch sử cũng như những triển vọng mới trong khung cảnh toàn cầu hóa hiện nay; rút ra những bài học kinh nghiệm để vận dụng vào công cuộc đổi mới giáo dục và hợp tác văn hóa của ba quốc gia Pháp-Việt-Nhật.
Đây cũng là cơ hội thuận lợi để các nhà khoa học Việt Nam và thế giới trao đổi học thuật và hợp tác nghiên cứu khoa học trong thời gian tới, tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học ba nước Việt Nam-Pháp-Nhật.
Hội thảo đã nhận được hơn 70 báo cáo khoa học của các tác giả/nhóm tác giả đến từ Pháp, Nhật Bản và Việt Nam, tập trung vào 6 chủ điểm. Đó là các chủ điểm Quan hệ giữa Văn học Việt Nam với Văn học Pháp, Văn học Việt Nam với Văn học Nhật Bản; Dấu ấn văn hóa Pháp-Việt Nam-Nhật trong lĩnh vực Ngôn ngữ - Truyền thông, nghệ thuật và du lịch ở Việt Nam; Giao lưu văn hóa Pháp-Việt Nam-Nhật Bản, Giao lưu văn hóa, Giáo dục Pháp-Việt Nam, Giao lưu Văn hóa, Giáo dục Nhật Bản-Việt Nam.
Hội thảo khoa học quốc tế Văn hoá Giáo dục lần thứ 3 - ICCE 2022: “Giao lưu văn hóa, giáo dục Pháp-Việt-Nhật: Lịch sử và phát triển” diễn ra với phiên chính là phần trình bày của các diễn giả đến từ các tổ chức, đơn vị giáo dục uy tín của Việt Nam, Pháp và Nhật Bản như: GS Muranushi Michimi từ Đại học Gakushuin, PGS Frédéric Roustan từ Đại học Lyon, PGS Junko Nimura từ Đại học Shirayur, PGS Ikeda Reiko từ Đại học Tottori, PGS Nguyễn Phương Ngọc và PGS Brigitte Sabattini, từ Đại học Aix-Marseille,…
Cùng với phiên chính, hội thảo có 7 phiên với những chuyên đề hẹp khác nhau.
Dự kiến, hội thảo sẽ khép lại vào ngày mai, 4/11.