Giáo dục Ninh Bình đột phá để hội nhập

NDO -

NDĐT – Xác định yếu tố con người là then chốt quyết định sự phát triển và hội nhập quốc tế, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI đã chọn “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút tài năng” là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Giáo dục Ninh Bình đột phá để hội nhập

Thành quả từ đột phá
Để thực hiện tốt khâu đột phá này, ngành giáo dục Ninh Bình đã quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”; chủ động đón nhận những đổi mới phương pháp giáo dục, chương trình, sách giáo khoa ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học; đặc biệt là chất lượng học sinh giỏi và kết quả thi đại học, cao đẳng.

Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, có kế hoạch linh hoạt về đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại và có chính sách tuyển dụng giáo viên các cấp; Dành nguồn lực tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, đồng bộ hóa; Xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao, trường chuyên.

Nhờ đó, ngành giáo dục tỉnh Ninh Bình đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Ở cấp mầm non, số trẻ đến trường luôn đạt mức cao, riêng trẻ 5 tuổi luôn đạt gần 100% trẻ ở độ tuổi tham gia học tại các trường mầm non tại cơ sở. Hằng năm, toàn tỉnh có từ 79% - 85% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT và GDTX. Mặc dù có địa hình không đồng đều, nhiều vùng còn khó khăn, nhưng Ninh Bình đã trở thành tỉnh thứ hai trong cả nước được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo tiêu chí mới.

Trường THCS xã Ân Hòa, thuộc huyện ven biển Kim Sơn là đơn vị điển hình vươn lên từ gian khó, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, đặt mục tiêu cụ thể cho từng năm học để thực hiện.

Sau nhiều năm bền bỉ huy động các nguồn vốn, đến nay Trường THCS Ân Hòa đã có được một cơ ngơi khang trang cho gần 300 học sinh và gần 20 cán bộ, giáo viên. Các phòng học đều rộng rãi, thoáng mát, được bố trí hợp lý, khoa học đủ để tám lớp học một ca/ngày. Các phòng bộ môn như: vật lý, công nghệ, hóa học, sinh học, tin học, tiếng Anh đạt tiêu chuẩn quy định, với trang bị khá đầy đủ cho giáo viên và học sinh thực hành. Nhờ đó, Ân Hòa đã trở thành trường đạt chuẩn quốc gia.

Khác với Ân Hòa, Trường THPT DTNT tỉnh Ninh Bình đóng trên địa bàn huyện miền núi Nho Quan, nằm trong vùng khó khăn của tỉnh, song đội ngũ giáo viên nơi đây luôn coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện. Vượt qua nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đồ dùng học tập, sách vở thiếu đồng bộ, song tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trong những năm gần đây không thua kém các trường ở vùng đồng bằng trong tỉnh. Nhiều học sinh của ngôi trường miền núi này được tuyển tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp.

Hướng tới phát triển toàn diện, nhà trường còn đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, trang bị cho học sinh các kỹ năng sống, kiến thức pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường, tham gia giao thông an toàn.... Thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ, tham quan, du lịch, kết hợp trải nghiệm sáng tạo, chú trọng giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề, phòng chống các tệ nạn xã hội, để hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh.

Để đạt được chất lượng dạy và học, Chi bộ Đảng, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm tạo mọi điều kiện để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. 47 cán bộ, giáo viên, trong đó có 18 người là dân tộc thiểu số thường xuyên nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào dạy học. Nhờ đó, 100% giáo viên đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn và vượt chuẩn.

Chung tay “trồng người”
Thành quả ngành giáo dục Ninh Bình có được hôm nay cũng là sự chung tay của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể đã cùng chăm lo xây dựng cơ sở vật chất ngày càng khang trang. Đến nay, gần 90% phòng học kiên cố toàn ngành và 322/327 trường có thư viện, chiếm tỷ lệ 98,5% tổng số thư viện trường học. Trong đó, hàng trăm thư viện đạt tiêu chí tiên tiến, xuất sắc. Ngành còn tích cực chỉ đạo xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, gồm 83,8% số trường học mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Để nâng cao chất lượng giáo viên, ngành giáo dục Ninh Bình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề bộ môn liên trường, liên huyện để tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên trao đổi chuyên môn, nâng cao năng lực giảng dạy, lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh thông qua việc hình thức sân khấu hóa, các tiểu phẩm. Nhờ đó, hằng năm, Ninh Bình có nhiều học sinh tham gia và đoạt các giải thi trong nước và quốc tế.

Định rõ những yếu kém, tồn tại để tập trung khắc phục, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT Ninh Bình sẽ thực hiện các nhóm giải pháp cơ bản, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ chủ yếu, như: Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuyển dụng, sử dụng giáo viên bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp và chủng loại giáo viên, nhân viên theo đúng quy định.

Đồng thời, ngành GD-ĐT tỉnh Ninh Bình tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm. Tăng cường cơ sở vật chất để bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư, nâng cấp trường, lớp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học theo quy định.

Triển khai có hiệu quả việc điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông theo hướng đổi mới. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực tế của ngành.