Cô giáo Lê Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Vân Giang (TP Ninh Bình) cho biết: Năm học 2017 - 2018, trường có bảy nhóm lớp, đón 249 cháu. Trong khi khuôn viên của trường hẹp, lại nằm trong con ngõ nhỏ khiến nhiều năm xảy ra tình trạng quá tải ở tất cả các nhóm lớp. Số trẻ đông gấp từ 1,5 đến hai lần so với quy định. Thêm vào đó, sân chơi cũng ken đầy đồ dùng, khiến hầu hết đồ chơi phải cất một chỗ. Nếu tính số lượng giáo viên hai người/lớp thì đủ, nhưng so với số lượng các cháu thì giáo viên thật sự quá tải về sức lao động hằng ngày. Cũng theo cô Oanh, do khuôn viên của trường quá hẹp, không thể xây dựng thêm phòng học, cho nên trường phải khắc phục tạm thời bằng cách cải tạo phòng ngủ của trẻ trở thành lớp học cho rộng rãi để các cháu có thể vừa học vừa vui chơi. Vì thế, giáo viên phải chạy đi chạy lại giữa hai phòng, phối hợp với nhau để dạy học và chăm sóc trẻ.
Không chỉ tình trạng quá tải ở khu vực thành phố mà vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng chung cảnh ngộ. Trường mầm non xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) năm nay đón 634 trẻ. Với số lượng này, phải có 20 phòng học, song thực tế nhà trường chỉ đáp ứng được 50% số phòng học, cho nên số trẻ phải dồn tăng gấp hai lần so với quy chuẩn, không ít phòng học có tới 50 cháu/lớp. "Nhiều năm trước, trường phải đi vận động để có đủ học sinh đến lớp, nhưng vài năm gần đây, do cơ sở vật chất được nâng cấp, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, thu hút học sinh nhập học ngày càng đông, dẫn đến tình trạng quá tải", Hiệu trưởng Trần Thị Như Hòa chia sẻ. Quá đông học sinh ở các trường mầm non khiến trường đang đối mặt tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất trường, lớp chưa đáp ứng kịp.
Trường mầm non Văn Phú (Nho Quan) hiện có 550 trẻ, theo quy định 30 giáo viên mới đủ định mức hai giáo viên/lớp, tuy nhiên hiện nay chỉ có 19 giáo viên. Số giáo viên hiện có gặp khó khăn bởi khi ốm hay có việc gia đình, đi họp, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn thì không có người thay thế. Hiệu trưởng Trường mầm non Văn Phú Đinh Thị Hạ cho biết: Tại thời điểm này, một giáo viên chăm sóc 35 đến 40 trẻ. Đây là gánh nặng đối với mỗi giáo viên tại trường. Đến giờ cho các cháu ăn, Ban giám hiệu nhà trường huy động toàn bộ số người hiện có tỏa xuống các lớp để trợ giúp giáo viên chia cơm, trông coi các cháu ăn uống an toàn, đúng giờ. Nhiều lúc chúng tôi cảm thấy “bế tắc” bởi thiếu giáo viên. Trong khi việc ký hợp đồng cho những người đã qua trường lớp đào tạo thì không thuộc quyền hạn của nhà trường. Bởi nhà trường không có nguồn kinh phí trả lương cho nên chỉ mong cấp có thẩm quyền cho chủ trương tuyển dụng thêm biên chế hoặc ký hợp đồng với người đã qua đào tạo về trường công tác nhằm san sẻ gánh nặng cho chúng tôi.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình Vũ Văn Kiểm cho biết, số trẻ ở bậc mầm non có xu hướng ngày càng tăng trong mấy năm gần đây ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Đến nay, tỉnh Ninh Bình có 152 trường mầm non, gồm 148 trường công lập và bốn trường tư thục, 2.209 nhóm lớp với 64 nghìn trẻ. Hằng năm, tỉnh tăng từ vài nghìn đến khoảng gần mười nghìn trẻ mầm non. Tỉnh hiện có 125 trong số 148 trường mầm non công lập, với 864 nhóm lớp có số trẻ vượt quy định, trong đó 60 trường có số trẻ tăng từ 1,5 đến hai lần so với mức chuẩn. Tổng số giáo viên mầm non ở Ninh Bình hiện có 4.074 người, trong đó 3.924 thuộc biên chế. Toàn tỉnh thiếu 511 giáo viên mầm non. Tuy nhiên, hiện nay không ít người tại địa phương đã qua đào tạo về mầm non sau khi tốt nghiệp trở về chưa có việc làm. Việc ký hợp đồng hay tuyển dụng nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của ngành. Điều đó đang đặt ra những vấn đề cần sớm được UBND tỉnh Ninh Bình cũng như chính quyền các cấp quan tâm giải quyết.