Chính sách & Cuộc sống

Giáo dục của gia đình trong xây dựng văn hóa học đường

Những năm gần đây, nhiều vụ việc, vấn đề tiêu cực, suy thoái trong môi trường học đường trở nên nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội: chạy điểm, chạy lớp, bạo lực học đường, thậm chí xâm hại tình dục học sinh, mua bán, đổi chác điểm…

Ảnh minh họa. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Ảnh minh họa. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Những vụ việc này không chỉ làm suy giảm tính mô phạm, nhân văn, giá trị tốt đẹp của nhà trường, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình thành nhân cách, năng lực của học sinh. Mặc dù ngành giáo dục chịu trách nhiệm chính trong những vụ việc này, tuy nhiên, có thể thấy trách nhiệm giáo dục của gia đình cũng là nguyên nhân thúc đẩy các hiện tượng tiêu cực đó.

Các chuyên gia tâm lý, giáo dục cho rằng, phát triển văn hóa học đường không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, giáo viên, học sinh mà cần có sự tham gia tích cực, có trách nhiệm cao hơn nữa của xã hội, nhất là vai trò giáo dục của gia đình.

Bởi, gia đình chính là nơi sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ và rèn giũa để hình thành nhân cách của con người. Bản thân mỗi con người là sự phản ánh về nếp nhà, phông văn hóa của gia đình họ, sau đó mới đến môi trường giáo dục của nhà trường, rồi nhờ sự thử thách của xã hội mà trưởng thành.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi trẻ em bước vào môi trường học đường sẽ mang theo những tác phong của gia đình, bao gồm cả tốt và xấu. Do đó, trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình sẽ gia tăng khả năng trở thành đối tượng bắt nạt học đường. Thiếu vắng sự quan tâm giáo dục trong gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến việc học sinh dễ có những rối loạn, lệch lạc về tâm lý, có nguy cơ cao bạo lực. Bối cảnh xã hội mới với nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, tuy nhiên nhiều cha mẹ thiếu kinh nghiệm, kỹ năng giáo dục con cái...

Trong bối cảnh ngành giáo dục phải chuyển từ hình thức học trực tiếp truyền thống sang trực tuyến nhằm ứng phó, thích nghi với Covid-19, giáo dục gia đình ngày càng đóng vai trò quan trọng. Việc không được đến trường, thiếu tương tác với bạn bè, thầy cô dẫn đến những căng thẳng, bất ổn tâm lý riêng. Do vậy, cha mẹ càng phải quan tâm, hỏi han và giúp đỡ con khắc phục các vấn đề đang gặp phải.

Bên cạnh đó, sự lan tràn thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội là thách thức đòi hỏi cha mẹ cần chú ý giáo dục, trang bị cho con những kỹ năng phân biệt, chọn lọc, ứng phó với các nguồn thông tin nhận được từ mạng xã hội. Muốn làm được điều này, các bậc phụ huynh cần trang bị, nâng cao kiến thức, làm chủ công nghệ để kiểm soát và giáo dục con cái, bảo đảm an toàn trên môi trường mạng.

Có thể thấy rằng, giáo dục học đường không thể tách rời khỏi giáo dục gia đình. Trách nhiệm giáo dục con cái phải được bắt đầu từ gia đình và không một chính sách giáo dục nào có thể thay thế được sự chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình, cha mẹ.

Chỉ thị 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới khẳng định "Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình". Chính vì vậy, để phát triển giáo dục văn hóa học đường, cần quan tâm xây dựng, vun đắp giá trị giáo dục gia đình.

Muốn làm tốt điều này, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến gia đình, trẻ em, bảo đảm an toàn cho trẻ em thích ứng với bối cảnh công nghệ thông tin hiện nay; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ gia đình thực hiện hiệu quả các chức năng của gia đình; nhất là chức năng giáo dục, phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình, an toàn trên không gian mạng.

Tiếp tục cụ thể hóa Ðiều 60 của Hiến pháp 2013 về "xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc"; yêu cầu "Ðề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ" tại Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư về công tác gia đình. Ðẩy mạnh xây dựng các chương trình giáo dục quốc gia về gia đình, giáo dục làm cha mẹ. Quan tâm hỗ trợ mô hình gia đình thay thế chăm sóc trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, thực thi đầy đủ chức năng, nhiệm vụ trong đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về gia đình; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về gia đình; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam.

Các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội thường xuyên giám sát, bảo đảm thực thi nghiêm túc chính sách, pháp luật về gia đình. Là tổ chức bảo vệ quyền lợi của hội viên, phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ trong việc xác định và nâng cao vai trò quan trọng của giáo dục gia đình, giáo dục làm cha mẹ đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.