Giảng dạy thời AI, cần chuẩn bị những gì?

NDO - Trong thời đại công nghệ số hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành cụm từ phổ biến trên nhiều lĩnh vực với nhiều ưu điểm vượt trội và cả những vấn đề nảy sinh. Trong ngành giáo dục và đào tạo, AI là công cụ hữu hiệu nâng cao năng suất giảng dạy, tạo không ít điều kiện thuận lợi cho học viên.
0:00 / 0:00
0:00

PV: AI đã mở ra một khái niệm học tập hoàn toàn mới: giáo dục thông minh. Xin chuyên gia cho biết rõ hơn về khái niệm này và những lợi ích mà nó mang lại?

Thạc sĩ Lê Đình Lực, CEO Hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English: Giáo dục thông minh là một xu thế mới mà chúng ta sớm muộn cũng cần tham gia thực hiện, bởi nó rõ ràng đang góp phần tạo nên một xã hội thông minh, phát triển bền vững.

Mô hình giáo dục trên là nơi cả người dạy và người học nhận được hỗ trợ đắc lực từ công nghệ, các thiết bị hiện đại và phần mềm tiên tiến trong toàn bộ quá trình dạy - học, quản lý, đặc biệt là ưu điểm dạy và học mọi lúc, mọi nơi. Có thể khẳng định, ưu điểm lớn nhất của hình thức học tập trên là tăng tính tương tác, chủ động và linh hoạt thông qua sự hỗ trợ đáng kể của công nghệ.

Giảng dạy thời AI, cần chuẩn bị những gì? ảnh 1

Thạc sĩ Lê Đình Lực.

PV: Người giảng dạy cần có những trình độ, kỹ năng, phương pháp chuyên môn và quan trọng hơn cả là tâm lý như thế nào để sử dụng AI một cách hiệu quả, xa hơn là tránh được những mặt trái của AI?

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An, Nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp 4.0 Jobway: Trước sự bùng nổ của ứng dụng AI trong giáo dục, tôi cho rằng giáo viên cần trở thành người hướng dẫn linh hoạt và sáng tạo. Việc liên tục học hỏi và phát triển kỹ năng công nghệ giúp họ không chỉ tự tin thích ứng với các công nghệ mới, mà còn tận dụng chúng nhằm tạo ra môi trường học tập đa dạng, tích cực.

Người giảng dạy cần có các kỹ năng: đặt câu hỏi chính xác, nói cách khác là sử dụng ngôn ngữ để đặt câu hỏi, giúp AI hiểu đúng nhu cầu trong quá trình soạn thảo giáo án; sử dụng công cụ soạn thảo AI, nhuần nhuyễn để xây dựng nội dung, kiến trúc bài giảng hoặc thậm chí chỉnh sửa ngôn ngữ, tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy.

Bên cạnh đó, người giảng dạy cần học cách tương tác với AI, không chỉ là yêu cầu thông tin, mà còn phải điều khiển được AI đưa ra các chỉnh sửa, cải thiện nội dung bài giảng; kiểm soát và điều chỉnh kết quả AI, bảo đảm đáp ứng đúng và đầy đủ yêu cầu của bài giảng, khiến nội dung học tập thêm phong phú và phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn.

Giảng dạy thời AI, cần chuẩn bị những gì? ảnh 2

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An (áo màu xám) cùng các học viên.

PV: Ở một góc nhìn khác, học viên nên tiếp cận với AI như thế nào để không trở nên phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ này?

Thạc sĩ Phạm Công Nhật, chuyên gia giáo dục: Tôi xin lấy ví dụ về câu chuyện nên hay không nên cho người học dùng ChatGPT thời gian qua. Thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể để người học dùng công cụ này, nhưng phải chỉ rõ cho họ thấy cả ưu điểm lẫn khuyết điểm nếu quá lạm dụng.

Chẳng hạn, nếu người học cố tình gian lận để “qua mắt” giáo viên với ChatGPT, họ sẽ được thụ hưởng cái lợi trước mắt là điểm cao. Nhưng về lâu dài, họ sẽ không có đủ kiến thức, kỹ năng để “sống sót” trong một thị trường lao động vốn ngày càng khắc nghiệt với hàng loạt thách thức như kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, việc AI có thể làm được nhiều thứ tốt vượt trội so với con người.

Các bạn sinh viên nói riêng cũng có thể “nhờ” ChatGPT hỗ trợ để có thêm góc nhìn tham khảo. Tuy nhiên, cần biết các “gạn đục, khơi trong” để bản thân trở thành những phiên bản tốt hơn trong học tập. Để làm tốt điều này, nhà trường nói chung và giảng viên nói riêng cần tăng cường công tác giáo dục tư duy phản biện, kỹ năng mềm trên giảng đường.

Giảng dạy thời AI, cần chuẩn bị những gì? ảnh 3

Thạc sĩ Phạm Công Nhật.

PV: Có ý kiến cho rằng, AI không bao giờ có thể thay thế được một người thầy “bằng xương bằng thịt”. Chuyên gia đánh giá thế nào về việc này?

Anh Lê Đình Hiếu, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ): Tôi cho rằng AI không thể làm được điều đó, bởi giáo viên là một ngành nghề đặc thù. Nhà giáo phải lấy nhân cách từ chính bản thân để đưa ra những tác động nhằm hình thành nhân cách người học.

AI không bao giờ có thể truyền tải được cảm xúc, sự tận tâm và thấu hiểu đối với từng cá nhân người học. Đó là chưa kể tới cách ứng xử, tương tác của thầy cô đối với mỗi học sinh sẽ truyền tải những thông điệp, bài học về kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành xã hội; truyền cảm hứng để học trò trở thành những thế hệ có phẩm chất, năng lực, tư duy tích cực… Vai trò đặc biệt này của người thầy chắc chắn không thiết bị nào thay thế được.

Giảng dạy thời AI, cần chuẩn bị những gì? ảnh 5

Chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu.

PV: Chuyên gia có thể đưa ra những dự đoán cho việc sử dụng AI trong ngành giáo dục và đào tạo ở nước ta trong một vài năm tới đây?

Thạc sĩ Lê Đình Lực: Học viên nói chung nên sở hữu trong tay một trợ lý cá nhân ảo để có thể tự do đặt câu hỏi, hỗ trợ kiến thức một cách hiệu quả. Bởi thực tế, không thầy, cô giáo nào có thể túc trực 24/24 để đồng hành với các học viên.

Từ góc độ người dạy, AI sẽ là một công cụ đắc lực trong soạn thảo văn bản, chương trình giảng dạy và chỉnh sửa, chấm bài… giúp người dạy có nhiều thời gian hơn để đầu tư, phát triển phương pháp giảng dạy, đồng thời tự nâng cấp, cải thiện tư duy nhiều hơn để truyền đạt lại cho người học.

AI thực tế chỉ học theo những điều con người đã làm rồi tự lập trình, huấn luyện để đưa ra câu trả lời phù hợp, chứ chưa thể tạo ra những điều hoàn toàn mới mẻ. Nói cách khác, tiềm năng về sự sáng tạo, tư duy của con người là nguồn tài nguyên vô cùng lớn. Vấn đề là xã hội nói chung, giới trẻ nói riêng có chịu khó tư duy, tự đào tạo hay hoàn thiện bản thân liên tục hay không.

Tôi tin rằng, nhiều nhà giáo dục đã nhận ra điều này. Bởi hiện ngành giáo dục trên toàn thế giới đã có sự quan tâm nhất định đến môn tư duy phản biện, EQ (trí tuệ cảm xúc). Trong tương lai gần, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng xu hướng trên để đưa vào môi trường học tập ở mọi cấp học.