Hiệu quả lớp học thông minh ở Quảng Ninh

Công nghệ và chuyển đổi số đang mang lại hiệu quả tích cực cho ngành giáo dục với việc áp dụng các phương thức giáo dục mới, thông minh, nhiều tiện ích.
0:00 / 0:00
0:00
Thư viện thông minh Trường THCS Mạo Khê 2, thị xã Đông Triều.
Thư viện thông minh Trường THCS Mạo Khê 2, thị xã Đông Triều.

Với mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở tất cả các cấp học, xây dựng mô hình các lớp học thông minh, trường học thông minh.

Đến nay tất cả các tiết học của học sinh Trường trung học cơ sở Mạo Khê 2, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đều được sử dụng công nghệ và khai thác tối đa tính năng của phòng học thông minh, đó là ti-vi thông minh màn hình cảm ứng, hệ thống camera, loa, máy tính xách tay. Trên nền tảng ứng dụng các phần mềm giáo dục phổ biến, nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp, hình thành phương pháp dạy và học hiện đại phù hợp xu hướng mới.

Với phương pháp nêu trên, học sinh tham gia chủ động và chịu trách nhiệm với quá trình hình thành, củng cố và mở rộng kiến thức. Các tiết học ngày càng hấp dẫn, việc học trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. Trong khi đó, giáo viên ngày càng quen thuộc bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng, hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến.

Ban Giám hiệu Trường trung học cơ sở Mạo Khê 2 tích cực triển khai, khuyến khích giáo viên nghiên cứu, học hỏi, soạn bài giảng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, sáng tạo vào bài giảng, giúp tăng tính tương tác, sự hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết dạy. Các giáo viên đều có máy tính xách tay phục vụ cho việc dạy và học; chủ động xây dựng phương án lưu trữ, phân loại, quản lý học liệu số phục vụ công tác giáo dục của nhà trường và báo cáo cấp quản lý.

Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Mạo Khê 2 Trần Thị Ánh Tuyết cho biết: Toàn bộ quy trình làm việc của cán bộ, giáo viên từ soạn giáo án, kế hoạch, lên lịch báo giảng cho đến kiểm tra đánh giá học sinh, tổng hợp báo cáo đều được thực hiện thông qua hồ sơ, sổ sách điện tử trên các hệ thống Phòng giáo dục điện tử, SMAS, cơ sở dữ liệu ngành, bảo đảm liên thông, đồng bộ. Sau nhiều năm triển khai mô hình trường học thông minh, công tác quản trị giáo dục của nhà trường có nhiều đổi mới.

Hiện các hoạt động trong nhà trường được quản trị dựa trên dữ liệu và công nghệ số như: Quản lý học sinh, quản lý hồ sơ, kết quả học tập, quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên bảo đảm kết nối thông suốt trong hệ thống quản lý trường học trực tuyến của tỉnh và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Trường trung học cơ sở Mạo Khê 2 đồng thời triển khai các phân hệ trong hệ thống quản lý trường học trực tuyến đã được xây dựng, gồm quản lý cơ sở vật chất, quản lý thông tin y tế trường học, quản lý thông tin về sức khỏe học sinh và duy trì hệ thống quản lý kế toán.

Các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực giáo dục của Quảng Ninh cũng được triển khai nhằm phục vụ phụ huynh, học sinh và nhân dân ngày một tốt hơn. Hiện phụ huynh và học sinh có thể đăng ký tuyển sinh lớp 6, lớp 10 bằng hình thức trực tuyến; thực hiện thanh toán học phí và các khoản dịch vụ khác không dùng tiền mặt.

Tại Trường trung học cơ sở Ngô Quyền, thành phố Cẩm Phả, để giáo án mỗi giờ lên lớp được sinh động, cô Bùi Cẩm Phương, giáo viên môn Địa lý luôn tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức mới từ các nguồn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để đưa vào bài giảng. Các phần mềm đồ họa, bản đồ tương tác, video minh họa được cô vận dụng triệt để cho những tiết học thêm sinh động, mang lại hứng thú cho học sinh.

Cô Phương cho biết: Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho phép thể hiện thông tin địa lý theo cách trực quan hơn, học sinh khám phá các khái niệm địa lý một cách sinh động, tăng cường khả năng giao tiếp cũng như sự tương tác giữa cô và trò.

Tại Trường tiểu học Hạ Long, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh và máy tính kết nối internet, giáo viên có thể cùng lúc kiểm tra kiến thức của tất cả học sinh trong lớp học, theo hình thức trắc nghiệm, nhờ ứng dụng Plickers.

Bên cạnh giúp học sinh hào hứng hơn trong học tập, ứng dụng này cũng giúp giáo viên thống kê lại tất cả các câu trả lời của học sinh, đúng hay sai, tỷ lệ phần trăm rất rõ. Thông qua đó giáo viên có thể nắm bắt được tình hình nhận thức, kiến thức của học sinh, có những biện pháp kịp thời để giúp đỡ những học sinh có câu trả lời chưa đúng.

Có thể thấy rõ, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học tại các trường học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp giáo viên và học sinh phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường được tăng cường, nhất là các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống vận động thông minh của các trường mầm non, thiết bị đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Mục tiêu của ngành giáo dục Quảng Ninh đến năm 2025 là đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên; trong đó tỷ lệ nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt hơn 5% ở bậc tiểu học, hơn 10% ở bậc trung học.