Tạo cảm xúc tích cực cho học sinh trong mỗi giờ học

NDO -

Yếu tố cảm xúc trong mỗi giờ học đóng vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn so với các yếu tố về trí tuệ, thế nhưng hiện nay yếu tố này chưa được giáo viên chú trọng đúng mức. Vậy làm gì để tạo cảm xúc tích cực cho học sinh trong mỗi giờ học?

Học sinh Trường tiểu học Sơn Lâm (xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) trong giờ học mỹ thuật. (Ảnh: thsonlam.huongson.edu.vn)
Học sinh Trường tiểu học Sơn Lâm (xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) trong giờ học mỹ thuật. (Ảnh: thsonlam.huongson.edu.vn)

Trước hết là sử dụng lời nói, ánh mắt và cử chỉ thân thiện: Lời nói là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của người thầy. Bởi vậy, người giáo viên cần phải sử dụng lời nói sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Khi giao tiếp với học sinh, giáo viên cần sử dụng ngôn ngữ sao cho các em dễ hiểu nhất, giàu hình ảnh và đạt giá trị biểu cảm cao.

Ngoài giá trị nội dung của ngôn ngữ, giáo viên còn phải diễn đạt nó bằng âm điệu phù hợp. Chẳng hạn: Khi giáo viên bước vào lớp, học sinh sẽ đứng dậy chào, câu nói để các em ngồi vào vị trí có thể là “Ngồi xuống!”, cũng có thể là “Tất cả ngồi xuống” hoặc là “Cô mời các em ngồi xuống” nhưng cách nói đầy đủ là “Cô chào các em, mời các em ngồi xuống!”. Câu nói ấy cùng với làn môi nở nụ cười hiền hậu và ánh mắt thân thiện lướt qua toàn lớp học sẽ tạo ra những xúc cảm tâm lý, giúp các em thoải mái và tự tin để bắt đầu tiết học.

Thứ hai là hãy khen ngợi, đừng chê bai: Khen ngợi là việc làm không thể thiếu trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học. Khi học sinh làm được việc tốt thì phải khen ngợi ngay để khích lệ, động viên. Một lời khen có hiệu quả giáo dục gấp nhiều lần so với những lời chỉ trích, chê bai. Đặc biệt với học sinh cá biệt thì lời động viên, khen ngợi như là liều thuốc tinh thần giúp các em thay đổi hành vi theo hướng tích cực. Khen ngợi kịp thời không những làm thay đổi hành vi của học sinh theo hướng tích cực mà còn là động cơ thúc đẩy quá trình học tập của các em.

Trong học tập, sự cần cù có phần bù đắp cho sự thiếu thông minh. Nếu khen ngợi, động viên kịp thời sẽ giúp học sinh ham thích và dẫn tới chăm chỉ trong học tập. Nếu phải cân nhắc giữa hai điểm số khi cho điểm học sinh thì bạn hãy chọn điểm cao hơn. Hãy chắp cho đứa trẻ đôi cánh, hãy tin ở các em, cho các em hy vọng.

Thứ ba là tạo tiếng cười trong mỗi tiết học: “Tiếng cười là liều thuốc bổ”. Tiếng cười trong dạy học-giáo dục sẽ làm tan đi không khí căng thẳng của tiết học. Không những thế, tiếng cười còn tạo ra sự hưng phấn để kích thích suy nghĩ. Những người thông minh thường có tính hài hước, chính sự hài hước lại tác động vào não để kích thích tư duy.

Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần vận dụng tính hài hước để thu hút sự chú ý của học sinh, làm tăng tính hấp dẫn của vấn đề cần truyền đạt, giúp quá trình hình thành kiến thức diễn ra tự nhiên và nhẹ nhàng, đem lại kết quả cao. Bên cạnh đó, không khí lớp học trở nên thân thiện hơn, có hứng thú để bắt đầu cho những tiết học khác.

Thứ tư là quan tâm và chia sẻ: Giáo viên là người rất gần gũi với học trò, vì vậy hãy cố gắng để các em luôn cởi mở với thầy cô. Hãy vừa là bạn vừa là thầy của các em. Giáo viên không cần phải che giấu tình cảm của mình với các em, nhưng cần tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó. Hãy cố nhìn thấy những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm đó. Thầy cô hãy giúp các em nhận ra, phát triển chúng thêm. Hãy cố gắng sống hết mình với các em. Vui cùng vui, buồn cùng buồn. Đùa nghịch và dạy dỗ. Hãy kiềm chế khi các em nói dối. Thương yêu, công bằng, kiên trì và trung thực là khẩu hiệu của mỗi giáo viên.

Cuối cùng là “Học mà chơi-chơi mà học”: Các em học sinh rất thích tham gia các trò chơi. Chính vì vậy việc tổ chức cho các em tham gia vào các trò chơi là một việc làm hết sức cần thiết. Tham gia trò chơi giúp các em rèn luyện thể chất, sự khéo léo, trở nên nhanh nhẹn hoạt bát, tạo sự hòa đồng, thân thiện, đoàn kết...

Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh sẽ giúp các em thêm hào hứng để học tập và sống hồn nhiên hơn. Hơn nữa, việc vui chơi lành mạnh còn tạo ra nhiều đức tính tốt đẹp, hạn chế những tật xấu, đồng thời rèn luyện thể chất và tâm hồn các em theo chiều hướng tốt hơn.