Chưa đến ngày khai giảng năm học mới, nhưng từ cuối tháng 8, Sùng A Sì đã tạm biệt bố mẹ và ba em nhỏ để về trường. Hành trang Sì đem theo chỉ mấy bộ quần áo, ít vở viết và chiếc chăn nhỏ. Men theo lối nhỏ từ bản Na Cô Sa 2, xã Na Cô Sa, Sì đến Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Nậm Pồ lúc trời vừa xẩm tối. Đang loay hoay không biết nên vào trường hay… ngủ ngoài đường thì Sì gặp thầy Nguyễn Văn Tập, Hiệu trưởng nhà trường đang phát dọn cỏ bụi gần đó. Đón Sì với nụ cười, thầy Tập đưa Sì vào khu ký túc xá, sắp xếp cho Sì một chiếc giường ngay gian đầu tiên trong dãy nhà dành cho học sinh nội trú. Sau đó, thầy Tập đưa Sì xuống khu bếp ăn, hướng dẫn Sì cách sử dụng đồ dùng trong bếp và giờ ăn cụ thể trong ngày. Tối hôm ấy, đợi khi Sì ngủ ngon trên chiếc giường nhỏ trong căn phòng nội trú, thầy Tập mới yên tâm trở về.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Tập cho biết: Năm học này, trường có 108 học sinh vào lớp 10; nâng tổng số học sinh toàn trường lên 350. 100% số học sinh của trường đều là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện; hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, con nhà nghèo, đông anh chị em và rất nhiều em được về trường theo học là nhờ chính sách dành cho học sinh bán trú cấp 1, cấp 2 mà tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều năm qua.
Thầy Mào Văn Phát, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Toong, huyện Mường Nhé chia sẻ: Nhiều em là đồng bào dân tộc H’Mông khi mới về trường không thích cơm, thức ăn do thầy cô nấu nên các thầy, cô giáo rất lo lắng vì nghĩ rằng thức ăn không ngon, không hợp khẩu vị. Sau rồi, thầy cô trò chuyện, tìm hiểu thì mới biết khi ở nhà các em hay ăn cơm với nước trắng vậy nên thầy cô đã sắp thêm nước lọc trên mâm cơm cho các em. Nhưng đi học lâu dần các em đã quen, giờ thì các em ăn được tất cả các món.
Kể lại những ngày đầu triển khai mô hình trường học bán trú tại địa phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Đoạt nhớ như in những khó khăn bộn bề của 15 năm trước. Thời điểm năm 2007, Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thí điểm đón học sinh về ăn, ở, học tập có sự quản lý, chăm sóc của giáo viên theo mô hình trường học bán trú. Không ít ý kiến phản đối vì lo lắng học sinh bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về dân tộc sẽ khó ăn, ở cùng nhau; việc giảng dạy với giáo viên vốn đã khó khăn lại thêm trách nhiệm quản lý, chăm sóc học sinh ngoài giờ trong khi giáo viên không có thêm thu nhập gì ngoài lương…
Thế nhưng, bằng sự quyết tâm, ngành giáo dục Điện Biên đã thí điểm tại huyện Tủa Chùa và Mường Nhé đón học sinh về ăn, ở, học tập tại trường. Tiếp đến, tháng 12/2008. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên quyết định ban hành kế hoạch xây dựng 431 phòng bán trú; 173 gian nhà bếp; 42 công trình vệ sinh; 69 bể và giếng nước; 1.725 giường tầng sắt và 42 bộ thiết bị phục vụ sinh hoạt, tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Trong đó, 50 tỷ đồng do Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ; ngân sách địa phương và cộng đồng hỗ trợ 10 tỷ đồng. Sau hai năm thí điểm, hai huyện Tủa Chùa và Mường Nhé vui mừng báo cáo: Có 2.820 học sinh về nhà bán trú của trường ở, được thầy giáo, cô giáo chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, được học tập kỹ năng sống và lao động sản xuất. Mừng nhất là số học sinh đi học chuyên cần tăng rõ rệt, không còn hiện tượng học sinh nghỉ lễ hay nghỉ Tết hàng tháng trời như trước đây.
Công nhận mô hình thí điểm tại hai huyện thành công, năm học 2010-2011, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên quyết định triển khai mô hình trường học bán trú tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Để phục vụ nhu cầu ăn, ở, học tập tại trường cho gần 16 nghìn học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số theo học bán trú, toàn tỉnh Điện Biên đã xây mới, sửa chữa hàng trăm nhà bán trú, nhà bếp chung, hệ thống nước, nhà vệ sinh, sân chơi với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Những năm sau, số học sinh theo học bán trú tăng vọt, tỷ lệ chuyên cần đạt 99%. Năm học 2012-2013, toàn tỉnh Điện Biên có hơn 100 trường với gần 20 nghìn học sinh bán trú; năm học 2021-2022, số trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tại tỉnh Điện Biên đã lên tới 141 trường, với tổng số 63.338 học sinh. Nhờ mô hình trường học bán trú, chất lượng học tập của học sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng tốt hơn.
Tiếp tục nhân rộng mô hình trường học bán trú, năm học 2022-2023 ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên đã huy động hơn 76 tỷ đồng xây dựng mới 59 phòng học, 26 phòng ở nội trú, 30 công trình phụ trợ phục vụ việc dạy học và học của học sinh bán trú nói riêng, học sinh trong toàn tỉnh nói chung. Các huyện vùng sâu, biên giới, như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Tủa Chùa còn kêu gọi vận động các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm ủng hộ vật chất để học sinh bán trú có thêm thực phẩm giàu dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hằng ngày.