Nếu như việc dạy và học trong bối cảnh đại dịch tại thành thị có nhiều bất cập, vướng mắc, thì đội ngũ giáo viên và các học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo lại càng khó khăn, vất vả gấp bội. Nơi thiếu thiết bị, chỗ hầu như không có internet, nhất là những ngôi trường trên rẻo cao hoặc ven sông, ven biển.
Trước bối cảnh đó, nhiều thầy, cô giáo đã hy sinh hạnh phúc gia đình, thậm chí có người nén nỗi đau mất người thân trong đại dịch, cần mẫn chèo lái con đò học vấn, đưa học sinh đến với bến bờ tri thức, thành công.
Nén nỗi đau mất cha
Đúng với định nghĩa về “vùng sâu”, học sinh Trường THPT Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) luôn “thiếu đủ thứ”. Dịch Covid-19 ập tới rồi kéo dài cả năm, khiến thầy trò tại đây loay hoay vì không có thiết bị học tập phù hợp, thậm chí sóng wifi, 3G để giảng dạy cũng quá chập chờn.
“Nếu không thiếu phương tiện, thì học sinh cũng khó tập trung khi học qua điện thoại, vì cỡ chữ quá nhỏ. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng nhiều nơi rất bất ổn, nhất là tại những vùng ven sông, ven biển, hải đảo thì mất sóng là việc quá thường xuyên. Mỗi lần như vậy, tiết học coi như phải bỏ dở luôn. Ngoài ra, phần lớn phụ huynh cũng không có thời gian, không đủ trình độ công nghệ thông tin để kèm cặp con em”, thầy Trang Thành Giá, giáo viên Trường THPT Trần Văn Thời cho biết.
Khắc phục những khó khăn nêu trên, thầy giáo 8X đã biến lớp học thành 1 “trung tâm thu phát sóng” đặc biệt. Tại đây, không chỉ thầy giáo, mà bất cứ học sinh nào hiểu bài đều có quyền chia sẻ, truyền đạt kiến thức đến các bạn. Những tiết học vì thế trở nên vô cùng sôi nổi, nhiều lúc không chỉ gói gọn trong 45 phút mà còn kéo dài cả ngày hoặc tới tối muộn.
Đang say mê áp dụng những cách làm mới vào giảng dạy trong đại dịch, thì đầu năm 2020, thầy Trang Thành Giá phải bỏ dở 1 phần công việc để chăm sóc cha mắc bệnh nặng. Chưa đầy nửa tháng sau, thầy đã phải để tang cha.
“Nỗi buồn mất cha khiến tôi càng đồng cảm với hoàn cảnh của những học sinh mồ côi do dịch bệnh. Suy nghĩ đó đã trở thành động lực, giúp tôi tiếp tục vượt mọi khó khăn, thiếu thốn, nỗ lực đồng hành với học trò không chỉ về kiến thức mà còn trong cả diễn biến tâm lý”, thầy giáo trẻ bộc bạch.
“Các em không có cả vở, bút”
Cũng giống như thầy Trang Thành Giá, cô Trần Thị Kim Hòa đã nhiều năm nay công tác ở vùng sâu, vùng xa. Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lê Văn Tám tọa lạc tại xã Krong – xã vùng 3 khó khăn nhất của huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), với 96% học sinh là người dân tộc Ba Na.
“Học sinh của chúng tôi quần áo rách rưới, nhàu nhĩ, khuôn mặt nhem nhuốc, chân cứng hơn đá sỏi, nhưng em nào cũng đáng yêu, ánh mắt ngây thơ vô cùng. Các em không có cặp và cũng chẳng có bút, vở. Đồ dùng học tập các em gói trong túi nilon, còn bút, vở thì chỉ biết chờ nhà trường, các cô hỗ trợ”, cô Hòa chia sẻ.
“Đôi lúc, nhà trường không còn kinh phí, buộc phải đề nghị phụ huynh chủ động mua bút cho con em. Nhưng mỗi khi trò chuyện, thấy phụ huynh lục tìm mãi mới thấy tờ 5, 10 nghìn nhàu nhĩ ở đáy túi áo, quần, giáo viên chúng tôi cũng không nỡ cầm. Bút, vở đã vậy, chiếc cặp đi học càng trở nên xa xỉ với các em”, cô giáo sinh năm 1989 xúc động nói.
Gia đình có 2 con nhỏ, chồng lại thường đi công tác xa, cho nên hằng ngày cô Trần Thị Kim Hòa phải vượt hơn 80 km để vừa giảng dạy, vừa chăm con. Từ khi trường chuyển mô hình bán trú, cô thường phải mang con đi gửi để ở lại với học sinh.
Dịch bệnh bùng phát, cô trò trường Lê Văn Tám lại đối mặt thêm nhiều khó khăn hơn nữa. Việc học trực tuyến hầu như không thể triển khai vì điều kiện quá thiếu thốn, cô Trần Thị Kim Hòa và các đồng nghiệp nghĩ ra cách giao phiếu bài tập đến từng buôn làng cho học sinh ôn luyện.
“Thực tế, các buôn làng cách nhau rất xa. Các em học sinh lại thường theo bố mẹ đi làm rẫy chứ cũng không ở nhà. Việc liên hệ với phụ huynh hầu như không thể thực hiện được. Chúng tôi lại băng rừng, vượt núi đến kèm cặp, không để các em bỏ học”, cô giáo đã 9 năm “cắm bản” kể lại.
Sáng kiến vượt khó từ thực tiễn
Công tác tại Trường Tiểu học và THCS Phú Lương (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã nhiều năm nay, thầy giáo Bùi Minh Đức cho biết: “Học sinh miền núi, vùng điều kiện kinh tế khó khăn thường rụt rè, nhiều em khi được tiếp cận máy tính thậm chí còn sợ bàn phím, không dám ngồi gần”.
Trước tình hình đó, trong vai trò giáo viên phụ trách môn công nghệ thông tin, thầy Bùi Minh Đức đã nghĩ ra phương pháp chia cặp, chia nhóm để tạo cảm hứng, dần hướng dẫn học sinh làm quen với máy tính thông qua những phần mềm thân thiện, dễ hiểu.
“Chúng tôi lồng ghép các hoạt động “học mà chơi” ngay trong quá trình giảng dạy, đồng thời sử dụng những phần mềm kiểm tra kiến thức ngẫu nhiên để tạo hứng thú, tránh kiểm tra theo kiểu khô cứng, thiếu hấp dẫn mà lại gây áp lực cho các em. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần tìm kiếm, tiếp cận những đề án, chương trình học bổng giáo dục để đưa về cơ sở, giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội trau dồi, rèn luyện cả kiến thức và kỹ năng”, thầy Bùi Minh Đức chia sẻ giải pháp của mình.
Trong khi đó, thầy giáo Lê Châu Khoa, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), lại mạnh dạn lập kênh Youtube riêng để truyền tải tri thức đến học trò.
“Đối với học sinh ở vùng cao, vùng sâu, có nhiều điều giáo viên không thể áp dụng theo kiểu khô cứng, “cào bằng”. Thay vì sử dụng bài giảng mẫu, các thầy, cô giáo hoàn toàn có thể tự biên soạn giáo án trực tuyến trên các trang mạng xã hội. 1 bài giảng như vậy sẽ chứa đựng nhiều tâm huyết, phù hợp hơn với từng đối tượng học sinh khác nhau”, chủ nhân kênh Youtube “English for students: Tiếng Anh dành cho học sinh” trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân.
Với những cách làm mới mẻ trên, học sinh của thầy Lê Châu Khoa với thành phần chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ Tu đã giành nhiều giải thưởng giá trị. Bản thân thầy Khoa cũng giành giải nhất ở cuộc thi Bài giảng điện tử E-learning cấp thành phố.
Sáng 19/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đã có buổi làm việc, trao đổi những vướng mắc, khó khăn về việc dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh với đoàn đại biểu chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm nay.
Tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Thị Minh đã trao Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng các giáo viên tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021.
Sáng cùng ngày, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn “Áp dụng công nghệ đổi mới việc dạy và học cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”. Tại Diễn đàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long đã trao sổ tiết kiệm tặng 50 đại biểu tham gia chương trình, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng.