PV: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng tắc đường, kẹt xe xảy ra liên tục thời gian vừa qua tại hai TP lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh?
Ông Phạm Sỹ Liêm: Tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn nước ta diễn ra ngày càng nghiêm trọng về cả không gian và thời gian, và đến thời điểm này chưa thấy lối ra nào để tháo gỡ tình trạng tắc đường “khổ lắm nói mãi”.
PV: Mặc dù trong nhiều năm qua, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ nạn ùn tắc giao thông, song những biện pháp này không được thực hiện một cách tổng thể dẫn đến gỡ chỗ nọ lại rối chỗ kia, gây tốn kém, bức xúc cho người dân...? Phải chăng công tác quy hoạch của chúng ta có vấn đề thưa ông?
Ông Phạm Sỹ Liêm: Ùn tắc giao thông đô thị là vấn đề toàn cầu, được các nhà làm chính sách và các học giả nghiên cứu từ lâu và bây giờ vẫn đang tiếp tục.
Nói như vậy để thấy đây không phải là vấn đề dễ dàng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trước tiên cần tiến hành điều tra hiện trạng một cách toàn diện và có phương pháp, không chỉ để có cái nhìn toàn cảnh mà còn để hiểu rõ nguyên nhân ùn tắc tại từng nơi, từng khu vực.
Còn các giải pháp thì có thể chia thành hai nhóm: nhóm giải pháp chiến lược và nhóm giải pháp tác nghiệp. Công tác quy hoạch đứng đầu nhóm giải pháp chiến lược, bao gồm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông, nếu tách rời hai loại quy hoạch này thì sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng.
Thí dụ ở Hà Nội, quy hoạch xây dựng khu đô thị nhưng không quy hoạch phát triển giao thông khu vực Ngã Tư Sở, hay xây dựng cao ốc 50 tầng tại địa điểm Triển lãm Giảng Võ mà không quy hoạch mở rộng đường Ngọc Khánh và ngã tư Giảng Võ - La Thành thì không ùn tắc mới là chuyện lạ.
Mấy năm gần đây, ngập lụt khi mưa lớn hay lúc triều cường cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, do đó vấn đề quy hoạch thoát nước mưa và ứng phó triều cường trở nên rất cấp bách.
PV: Mới đây Hà Nội có đề xuất, để giảm ùn tắc thì phải hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Nhưng muốn giảm, muốn cấm phải đủ điều kiện bảo đảm cho người dân, thí dụ như muốn hạn chế phương tiện cá nhân phải có phương tiện giao thông công cộng thay thế… Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Sỹ Liêm: Ai cũng thấy đúng là phải như vậy, thế nhưng dự án xe buýt nhanh chỉ dựng ở chỗ làm mấy trạm đỗ rồi bỏ không, dự án tàu điện trên cao thì tiến độ “rùa”... Khi sốt ruột thì có vài lời đôn đốc rồi đâu vẫn vào đó mà thôi.
PV: Vậy theo ông Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần những giải pháp gì để giải quyết nạn tắc đường hiện nay?
Ông Phạm Sỹ Liêm: Cả hai thành phố đang phát triển mạnh mẽ và lan tỏa mạnh tại hai vùng đô thị lớn bắc và nam, và trở thành “thành phố toàn cầu”, tức là tụ điểm của nền kinh tế toàn cầu.
Thế nhưng tình trạng ùn tắc giao thông cũng đang là nhân tố tác động lớn đến năng lực cạnh tranh của cả hai thành phố. Để giải quyết thì như đã nói, cần đến hệ thống giải pháp chứ không thể chọn giải pháp riêng lẻ được. Kinh nghiệm quốc tế cũng rất bổ ích, vấn đề nâng cao nhận thức của xã hội rất quan trọng nhưng đòi hỏi thời gian và sự kiên trì.
PV: Ông dự báo tình trạng giao thông của hai đô thị này trong thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào?
Ông Phạm Sỹ Liêm: Nói chung, cũng như trong mọi vấn đề quản lý, điều then chốt là “nói đi đôi với làm” như các đồng chí lãnh đạo thường nhắc nhở. Điều này sẽ quyết định tình hình tốt lên hay xấu đi. Cũng cần chú ý rằng, cho dù có tốt lên thì thực tiễn giao thông đô thị cũng cũng không ngừng vận động và đặt ra thách thức mới. Đấy cũng là kinh nghiệm của các nước phát triển.
- Xin cảm ơn ông!